Washington Post đưa tin Việt Nam bắt giữ một Việt kiều không xét xử: Hà Nội bắt một nhà đầu tư, không xử, liên tiếp đòi tiền “bail” Wednesday, December 13, 2006 | | | | VIỆT NAM - Một Việt kiều Mỹ, về Việt Nam làm ăn từ năm 1996, tức là chỉ một năm sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ chính trị, đã bị bắt, bị giam giữ không xét xử trong một vụ mà vợ của ông cáo buộc chính quyền Việt Nam đã dùng “luật rừng” đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Bài báo “Vén Bức Màn Bí Mật” (A Mission to Unlock a Mystery) của ký giả Cameron W. Barr, đăng trên tờ Washington Post, ngày 10 Tháng Mười Hai, 2006, cho hay như trên. Bài báo cho biết rằng ông Hoan D. Nguyen, 57 tuổi, một công dân Hoa Kỳ, tổng giám đốc một trường trung học quốc tế tại Hà Nội, đã bị bắt hồi Tháng Tư, có thể sẽ bị giam giữ tối đa 16 tháng cho những điều mà phía Việt Nam cáo buộc rằng ông đã làm; tuy nhiên, ông Hoan bác bỏ tất cả những cáo buộc của chính quyền Việt Nam. Ông Hoan, cùng một nhóm đầu tư, về Việt Nam liên doanh với một cơ quan chính quyền Việt Nam mở Trường Trung Học Quốc Tế Hà Nội năm 1996. Phía đầu tư Hoa Kỳ đầu tư $2.4 triệu; phía Việt Nam cung cấp mặt bằng đất, có giá trị khoảng $272,000. Vừa bắt đầu làm ăn, hai phía Việt Nam và Mỹ đã có những trục trặc khiến một quan chức cấp bộ trưởng của Việt Nam phải nhảy vào để “thúc phía Việt Nam phải cung cấp địa điểm xây trường như đã hứa.” Sau đó, khi liên doanh bắt đầu hoạt động, “một trong những nhà đầu tư phía Việt Nam nói với hội đồng quản trị rằng ông Hoan không nên đến trường vì an ninh của ông Hoan bị đe dọa.” Liên tiếp nhiều năm sau khi trường đi vào hoạt động, phía chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục điều tra hoạt động của trường; và kết luận rằng “Các cấp điều hành và hội đồng quản trị trường đã sai phạm nghiêm trọng,” trong các sai phạm này có cả việc chi tiêu không đúng đắn. Ngày 6 Tháng Tư, 2006, cơ quan B14, Bộ Công An Việt Nam, bắt giữ ông Hoan nhưng không cho biết vì tội gì. Bà Yến Nguyễn, vợ ông Hoan, cho phóng viên Washington Post biết rằng phía Việt Nam không xét xử chồng bà theo đúng thủ tục. Một viên chức Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng phía Việt Nam cáo buộc ông Hoan tội lạm dụng chức quyền để chi tiêu cá nhân, và cả tham nhũng. Nhân viên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ thăm ông Hoan mỗi tháng một lần. Luật sư ông Hoan thì lâu lâu mới đến gặp thân chủ. Hai phía chỉ nói chuyện vắn tắt rồi thôi. Phía Việt Nam yêu cầu vợ ông Hoan về Việt Nam để họ điều tra. Bà từ chối vì “tôi hiểu chiến thuật của họ. Họ cũng sẽ bắt tôi thôi.” Một số học sinh của trường, sau khi tốt nghiệp, đã sang Hoa Kỳ du học tại một số trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, về mặt tài chánh, tờ Washington Post viết rằng, “sự thành công của liên doanh không mấy rõ ràng.” Một nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông Michael Arnouse, đã đầu tư vào liên doanh này $500,000 nhưng cho đến nay chỉ mới được trả “dividend” một lần $60,000. Ông nói ông muốn rút lui khỏi vụ đầu tư này và rút cả tiền vốn ra luôn. Ông Arnouse nhận định rằng phía Việt Nam chỉ muốn “ăn giựt” công ty này mà thôi; một phần vì giá thuê đất tại khu vực này đang lên cao, tính bằng tiền triệu đô la. Bài báo cho biết thêm rằng những người Mỹ tham gia trong vụ đầu tư này nhận định rằng phía Việt Nam chẳng có luật lệ gì cả. Họ nói thêm, điều mà phía chính quyền Việt Nam cần làm trong vụ này là “thả ông Hoan, xóa bỏ hết các cáo buộc hình sự, trả lại số tiền $85,000, và đưa sự việc ra phân xử công khai.” $85,000 được đề cập ở đây là số tiền bà Yến, qua một người trung gian, đưa cho Việt Nam để “bail” ông Hoan ra khỏi tù. Luật sư ông Hoan nói với bà Yến rằng nếu bà trả thêm $250,000 nữa, chồng bà sẽ được tự do. Dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Chris Van Hollen, hiện đang theo dõi sát vụ này, nói rằng đây là “một vụ tống tiền trắng trợn.” (Người Việt)
Người dân Việt Nam vẫn còn thờ ơ với khái niệm “nhân quyền” | | | | Trà Mi (RFA)
Kỷ niệm 58 năm ngày Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ra đời, hôm 10/12, khoảng chục ngàn người tại Cambodia đã xuống đường tổ chức mít tinh, với nhiều hoạt động cổ võ cho quyền con người. Nằm sát cạnh Cambodia, tình hình ở Việt Nam ra sao? Trà Mi tường trình trên Ðài Phát Thanh Á Châu Tự Do như sau: Hôm Chủ Nhật, gần 1 vạn người tề tựu về sân vận động Olympic ngay thủ đô Phnompenh của Cambodia để tổ chức hàng loạt sự kiện, đánh dấu ngày Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố Bản tuyên ngôn về nhân quyền thế giới 10/12/1948. Ðây được xem là tuyên ngôn đầu tiên của toàn nhân loại, và là thước đo chung cho tất cả các nước trong việc tôn trọng và thực hiện những quyền tự do căn bản của con người cho dù trong phạm vi quốc gia hay quốc tế.
Ðàn áp và ngăn cấm
Ðại diện Ban tổ chức cho biết mục đích của buổi mít-tinh này nhằm vinh danh những nhà đấu tranh cho nhân quyền trong nước, khẳng định sự ủng hộ đối với những cống hiến của họ cho con người, cho xã hội, và vương quốc Chùa Tháp. Phát biểu với báo giới, ông Kem Sokha, giám đốc trung tâm nhân quyền Cambodia, một tổ chức được Hoa Kỳ ủng hộ, nói rằng tình trạng nhân quyền tại Cambodia vẫn là một điều rất đáng lo ngại, một mối quan tâm chung của nhiều người. Các nhân vật đấu tranh nhân quyền hàng ngày bị đe dọa, sách nhiễu. Và đó cũng chính là lý do vì sao công cuộc tranh đấu trong nước vẫn sôi sục tiếp diễn. Vẫn theo lời ông, các thành phần bị vi phạm nhân quyền nhiều nhất ở xứ Chùa Tháp chính là giới công-nông. Trong khi đó, quyền được phép hội họp vẫn bị chính quyền ngăn cấm. Lên tiếng nhân sự kiện này, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Phnompenh, Joseph Mussomeli, chỉ trích việc chính phủ Cambodia đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng. Dẫn chứng cho cáo buộc đó, ông đề cập đến việc chỉ nội năm nay nhà cầm quyền sở tại đã bắt giữ hơn 70 nhân vật tranh đấu dân chủ-nhân quyền và gán ghép cho họ nhiều tội danh không có cơ sở. Ðó là chưa kể đến một số trường hợp đã bị giết hại. Ông Mussomeli cũng đồng thời lên án nhà nước Chùa Tháp có hành động ngăn cấm, giải tán các cuộc biểu tình, tụ tập ôn hòa của người dân. Chỉ tính từ đầu năm tới nay đã có gần 4 chục cuộc tập họp bị lực lượng an ninh ra tay cản trở. Tất cả những điều ấy, theo đại sứ Hoa Kỳ, chứng tỏ giới lãnh đạo của quốc gia Ðông Nam Á nhỏ bé này, vẫn duy trì tâm lý lo sợ và hoài nghi trước những ý kiến bất đồng.
Tình trạng tại Việt Nam
Tương tự nước bạn láng giềng, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước có tình trạng vi phạm nhân quyền đáng lo ngại, thu hút sự lưu tâm của cộng đồng thế giới. Ðúng ngày 10/12 kỷ niệm Bản Tuyên ngôn Nhân quyền toàn thế giới năm nay, bất chấp những trở ngại từ phía chính quyền, giới tranh đấu trong nước đã tuyên bố thành lập Ủy ban nhân quyền Việt Nam, với mục đích bảo vệ, cổ võ cho các quyền căn bản của người dân. Ngoài sự kiện này, có những hoạt động nào nhằm kêu gọi sự lưu tâm của nhiều người trong xã hội về vấn đề nhân quyền hay không? Kỹ sư Bạch Ngọc Dương, thành viên khối 8406, cho biết: “Ở Việt Nam tôi thấy rất là im ắng, gần như là người dân chẳng biết đến ngày 10/12 là ngày gì cả. Các phương tiện thông tin đại chúng báo đài đều không đề cập gì đến Ngày nhân quyền của quốc tế trong khi thế giới rất nhiệt thành chào đón, kỷ niệm ngày ra Bản Tuyên ngôn Nhân quyền này.” Là một trong những gương mặt công khai mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền trong nước, anh Dương lấy trường hợp của chính bản thân mình để minh chứng cho thực trạng xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam: “Như trường hợp của tôi chẳng hạn. Khi tôi phát biểu những chính kiến của mình thì bị chính quyền o ép rất nhiều, gây đủ khó khăn cho tôi. Tôi đi đâu họ theo dõi đến đó. Về việc làm, họ áp lực với công ty buộc thôi việc. Chỗ ở thì họ áp lực chủ nhà không cho thuê nhà nữa. Cái đó hoàn toàn vi phạm nhân quyền, vi hiến. Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do được cư trú trong khi đó họ liên tục làm khó dễ với tôi. Thậm chí vừa qua, ngày 10/12 trong khi tôi cùng luật sư Nguyễn Văn Ðài và kỹ sư Phương Anh đang ăn trưa ở ngoài thì một sĩ quan an ninh tìm tới. Chúng tôi mời anh ta cùng ăn. Một lúc sau có một phóng viên ở bên ngoài gọi điện cho tôi thì anh công an đó đứng dậy ngăn cản không cho tôi trả lời điện thoại. Hành động này chính là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Hôm trước đó, công an bên A42 cũng mời tôi lên làm việc một buổi hỏi xem tại sao tôi lại có tên trong Ủy ban nhân quyền Việt Nam. Tôi bảo Ủy ban này chỉ bảo vệ quyền của con người thôi, có vấn đề vi phạm gì đâu vì hiện nay ở Việt Nam chưa có 1 cơ quan nào đứng ra bảo vệ nhân quyền cho người dân cả. Thế nhưng phía công an lại nói rằng pháp luật nhà nước không cho phép chúng tôi làm như thế vì bảo vệ con người đã có công an rồi. Thế mà tôi thấy công an chỉ toàn vi phạm nhân quyền thôi chứ có bảo vệ gì người dân đâu.”
Ý thức của người dân
Ý thức, sự hiểu biết, và quan tâm của đại đa số người dân Việt Nam về khái niệm “nhân quyền” cũng như các hoạt động đấu tranh cho quyền con người ra sao? Kỹ sư Dương chia sẻ thêm: “Theo nhận xét của tôi, vì dân số Việt Nam với 80% là nông dân, trình độ dân trí thấp nên họ không hiểu rõ thế nào là nhân quyền hay dân chủ. Thậm chí là những từ này rất ít khi được đề cập đến trong xã hội Việt Nam. Hơn nữa, dân chúng Việt Nam vẫn còn thờ ơ, tức là họ chỉ gói gọn trong cuộc sống cá nhân gia đình chứ không để ý gì đến xung quanh trừ khi chính họ bị vi phạm nhân quyền họ mới lên tiếng chứ người khác bị họ cũng nhắm mắt làm ngơ. Thêm vào đó là người dân bị bưng bít thông tin. Vì vậy cho nên trong xã hội nảy sinh ra những bất công như nông dân bị cướp đất khiếu kiện không ai giải quyết cả. Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không có cơ quan nào đứng ra khảo sát xem nhân quyền ở đây bị vi phạm đến mức độ nào.” Trà Mi (từ Washington D.C.) |
|
BBC - 13.12.06
Đại sứ Mỹ ở Việt Nam kêu gọi Đảng Cộng sản mở thêm không gian cho những người bất đồng quan điểm và gọi thành viên của Khối 8406 là "những người yêu nước thật sự." Đại sứ Michael Marine cũng nói những hạn chế đi lại đã bị áp đặt với ông Phạm Hồng Sơn, một trong những người phản kháng có tiếng. Ông Sơn được trả tự do trong năm nay, nhưng nói ông gần như đang chịu cảnh quản thúc. 'Yêu nước'
"Chắc chắn có những hạn chế đối với tự do của ông ấy, mà chúng tôi muốn được gỡ bỏ càng sớm càng tốt," ông Marine nói, trong buổi gặp với các phóng viên nước ngoài hôm nay. Ông Sơn, người bị cầm tù năm 2002, nói ông gần đây bị nhà chức trách hành hung trong thời điểm gần đến hội nghị APEC ở Hà Nội. Đại sứ Mỹ nói ông tin cáo buộc của ông Sơn. "Tôi không có lý do nghi ngờ ông ấy đã bị hành hung ở một mức độ nhất định. Con người không nên phải chịu sự đối xử như thế." Ông Marine cũng nhắc tới khối 8406, một nhóm vận động dân chủ thành lập ở Việt Nam tháng Tư năm nay. Ông gọi họ là "những người yêu nước thật sự." "Niềm tin của họ mạnh đến mức họ dám nói ra công khai. Tôi nghĩ họ là những người yêu nước thật sự. Họ muốn điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam." Đại sứ Mỹ nói thêm: "Sự phát triển của dân chủ, theo một nhịp độ mà Việt Nam thấy sẵn sàng và người Việt muốn, là điều mà chúng tôi ủng hộ." Quan hệ thương mại thân thiết với Việt Nam sẽ không ngăn Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo, theo lời đại sứ Marine. "Chúng tôi không quan tâm đến việc đơn thuần ngồi nói chuyện, chúng tôi muốn thấy có tiến bộ." Đại sứ Mỹ nhấn mạnh Việt Nam không có gì phải sợ dân chủ. "Tôi nghĩ sẽ có lợi cho Việt Nam thông qua việc cho phép có thêm tự do bày tỏ, tự do lập hội," ông nói. "Để bất kì chính phủ nào hoạt động tốt, người ta cần những công dân có khả năng bình luận về chính sách và hành vi của chính phủ đó."
Cần thêm cải tổ để duy trì tăng trưởng Tổng hợp |
Cần thêm cải tổ để duy trì tăng trưởng BBC - 13 Tháng 12 2006 - Cập nhật 10h24 GMT Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam khen ngợi tiến bộ trong môi trường kinh doanh nhưng cảnh báo cần có thêm cải tổ để duy trì nhịp độ tăng trưởng. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam diễn ra sáng nay ở Hà Nội, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Ông Phạm Gia Khiêm nói Việt Nam sẽ nỗ lực để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, an tâm và lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài. Thực thi pháp luật Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng hứa trong năm năm tới, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục là một ưu tiên. Trong giai đoạn năm năm từ nay đến 2010, Việt Nam muốn thu hút được 140 tỷ đôla vốn đầu tư, trong đó khoảng 30% là vốn đầu tư nước ngoài. Nói chung các nhà doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ lạc quan về triển vọng của Việt Nam. Họ chúc mừng Việt Nam sắp gia nhập chính thức WTO từ tháng Giêng năm sau và đã tổ chức thành công hội nghị APEC. Các nhà đầu tư cũng ghi nhận đầu tư nước ngoài hiện đạt mức kỷ lục so với nhiều năm trước, và mức tăng trưởng kinh tế thuộc hàng đầu châu Á, trên 8%. Mark Farquhar, chủ tịch Phòng Thương mại Úc ở Việt Nam nói: "Năm 2006 đã là năm cột mốc và nổi bật cho Việt Nam." Nhưng ông và nhiều người khác bày tỏ lo ngại về tham nhũng và những yếu kém trong hệ thống luật pháp và cơ sở hạ tầng. Việt Nam đã thông qua nhiều luật về đầu tư, chống tham nhũng, bảo vệ bản quyền, nhưng việc thực thi luật còn yếu và khó dự đoán trước. Diễn đàn năm nay có sự tham gia của trên 200 doanh nghiệp, nhiều gấp hai lần so với năm ngoái. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam là một hoạt động thường niên trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. Giám đốc WB tại VN cảnh báo Hà Nội cần thực thi những cam kết pháp lý đã đưa ra VOA - 13/12/2006 Trả lời cuộc thăm dò của Diễn Đàn Kinh doanh Việt Nam, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, ông Klaus Rohland cho rằng ngày càng có nhiều quan niệm cho rằng Việt Nam đang đi lên, nhưng ông cảnh báo rằng Việt Nam phải thực thi những cam kết pháp lý đã đưa ra để được kết nạp vào WTO. Ông Rohland nói rằng luật lệ không phải những điều nằm trong sách vở, mà chính các hành động mới đáng kể. Ông kêu gọi Việt Nam bảo đảm rằng tinh thần luật pháp, rất tiến bộ và nhiều hứa hẹn, phải được biến thành tinh thần của các sắc luật và thông tư. Ông Mark Farquhar thuộc Phòng Thương mại Australia nói rằng “hiện tượng thiếu sự thực thi kịp thời và nhất quán các luật lệ, các quy định rườm rà, cũng như những luật lệ thiếu rõ ràng và không đồng bộ, vẫn là các trở ngại chính trong môi trường kinh doanh. Ông Farquhar nhấn mạnh rằng mối quan ngại số một của tổ chức của ông là nạn tham ô. Mặc dù đã có một vài tiến bộ, tỷ như việc điều tra vụ tham ô nhiều triệu đôla tại một đơn vị thuộc bộ Giao thông Vận tải trong năm nay, vẫn còn chưa rõ liệu những vụ đáng kể như vụ này đã được giải quyết toàn bộ hay chưa. Theo ông, về lâu về dài, thì Việt Nam phải dành cho hệ thống tư pháp và các cơ quan truyền thông quyền được mạnh bạo điều tra những vụ việc tham ô có thể xảy ra. Ông Faquhar nói rằng chống tham nhũng là hành động quan trọng duy nhất mà chính phủ có thể thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ông David Knapp cũng đồng ý với nhận định vừa kể và kêu gọi Việt Nam đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở bằng cách cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân, nhất là về điện năng và các hải cảng nước sâu. Trong một tuyên bố, ông Knapp nói rằng sự tăng trưởng nhanh chóng đã tạo áp lực đối với hạ tầng cơ sở vật chất của Việt Nam, và những hạn chế này đe dọa đến đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong lãnh vực sản xuất và xuất khẩu. Ông Knapp cũng cho rằng Việt Nam phải cải thiện khu vực giáo dục và tăng cường bảo vệ tác quyền trí thức, đề cập đến tình trạng bán lan tràn các mặt hàng giả mạo về nhu liệu điện toán, DVD phim ảnh, hàng hiệu thời trang và dược phẩm. Ông nói rằng hiện tượng đánh cắp tác quyền trí thức này cản trở đầu tư và sáng tạo, đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của công chúng và làm suy giảm lợi tức của nhà nước. Doanh nghiệp nước ngoài kêu gọi VN làm sáng tỏ hệ thống pháp lý VOA - 13/12/2006 Hôm thứ tư, các tổ chức doanh thương nước ngoài đã ca ngợi Việt Nam, một thành viên WTO trong nay mai, về sự tăng trưởng kinh tế vượt bực, nhưng kêu gọi chính phủ phải làm sáng tỏ những luật lệ lờ mờ, chống nạn tham ô và cải thiện hạ tầng cơ sở. Tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 8% trong năm nay; đó là tỷ lệ cao nhất ở Châu Á, sau Trung Quốc. Sự kiện này thu hút nhiều sự chú ý đến quốc gia 84 triệu người, đông dân thứ nhì ở đông nam Châu Á, sau Indonesia. Các tổ chức doanh thương hy vọng sẽ tiếp cận được thị trường nhiều hơn khi Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 11 tháng giêng sắp tới. Với tư cách là thành viên thứ 150 của WTO và với các quan hệ thương mại vừa được bình thường hóa vĩnh viễn với Hoa Kỳ, Việt Nam trông đợi một đợt sóng đầu tư mới, đạt kỷ lục 9,5 tỷ đôla trong năm nay, theo lời ông Võ Hồng Phúc, bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam nhóm tại Hà Nội hôm thứ tư, các công ty và tổ chức phát triển nước ngoài ca ngợi các thành quả, nhưng cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam đẩy mạnh các cải cách nếu không muốn mất nhiều quyền lợi đang mong đợi. Một cuộc thăm dò do Diễn đàn thực hiện với 200 công ty tại Việt Nam, 3 phần tư là nước ngoài, đã đánh giá môi trường đầu tư là “tạm được,” và không khá hơn so với năm trước, một phần vì những bất định trong việc thực thi các luật lệ của WTO. Những người trả lời thăm dò tán dương địa điểm chiến lược, sự ổn định chính trị, và quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhưng cho điểm thấp về việc bảo vệ tác quyền trí thức, tính cạnh tranh trong khu vực, cơ sở hạ tầng và hệ thống pháp lý. Cả các triển vọng cùng với các mối quan ngại đều được nêu lên trong một cuộc thăm dò các công ty Nhật do Ngân Hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện, trong đó Việt Nam vượt trên Thái Lan và chiếm vị trí nước đầu tư được ưa chuộng nhất sau Trung Quốc và Ấn Ðộ. Việt Nam được coi là hấp dẫn bởi vì lực lượng lao động rẻ, tiềm năng phát triển thị trường và là một địa điểm thay thế cho đại lân quốc Trung Hoa, nhưng các mối quan ngại chính tập trung vào cơ sở hạ tầng yếu kém và một hệ thống pháp lý thiếu minh bạch.
Nỗi nhục của công dân quốc gia ngheo khổ -Vỡ mộng kiếm tiền ở Đài Loan  | Tạ Thị Giám, một trong 2.500 người đến trung tâm bảo trợ cô dâu và lao động Việt ở Đài Bắc. Ảnh: SJMN. |
Từ biệt chồng con ở ngôi làng nghèo khó ngoại thành Hà Nội, Tạ Thị Giám đi Đài Loan làm hộ lý với ước mơ kiếm 500 đôla mỗi tháng. Thế nhưng chị lại bị đẩy vào đời nô lệ trong tay một ông chủ Đài, bị đánh, bị đói và phải làm việc cho đến lúc khuỵu xuống. "Họ đối xử với tôi như một con chó chứ không phải người", người phụ nữ 36 tuổi nói. "Họ làm thế bởi biết tôi không có chỗ nào để đi, không có ai mà nhờ cậy". Giám chạy trốn sau một ca làm việc 18 tiếng liền. Chị tìm đến một nơi lánh nạn dành cho lao động nữ ở Đài Bắc, do các thầy tu Thiên Chúa giáo điều hành. Giám là một trong nhiều phụ nữ lao động nhập cư với thân phận khổ cực ở Đài Loan. Những người đến ở nơi lánh nạn này từng bị đánh đập, cưỡng hiếp, buôn bán, bị buộc phải lao động vất vả mà không được trả lương cho phần làm thêm. Trong khi đó, một số ông chủ Đài Loan rất tinh vi, và luật pháp sở tại trừng trị những lao động bỏ trốn. "Đây là một vấn đề lớn, rất lớn - việc đưa người Việt sang lậu và bắt họ lao động như nô lệ", cha Nguyễn Văn Hùng, người điều hành Văn phòng Trợ giúp cô dâu và người lao động Việt Nam ở Đài Bắc nói. Kể từ khi thành lập năm 2004, Văn phòng đã tiếp nhận 2.500 nạn nhân người Việt. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, một phần lớn trong số 340.000 lao động nước ngoài ở Đài Loan - chủ yếu đến từ Việt Nam, Thái Lan và Philippines - được thuê làm những công việc chân tay, thường bị buộc phải làm việc thêm giờ ngoài ý muốn. Nhiều lao động bỏ trốn tìm đến trung tâm lánh nạn trong cảnh khốn cùng. Chị Giám, sau khi bị chủ tịch thu điện thoại di động, giấy tờ tùy thân, đã bỏ trốn trong đêm, không một xu dính túi. "Họ muốn tôi vừa điếc vừa mù. Họ muốn kiểm soát tôi", Giám bình luận. Cũng như nhiều phụ nữ khác, Giám không muốn kể về cảnh sống của mình ở Đài Loan cho gia đình. Một phụ nữ khác, 34 tuổi, đang sống ở trung tâm lánh nạn cho biết chị đã bị cưỡng hiếp, nhưng không bao giờ dám công khai nói chuyện đó ra. Chị sợ hai con ở nhà sẽ đau lòng và sợ chồng bỏ chị. Tuy thế, người phụ nữ này vẫn muốn ở lại Đài Loan, bất chấp nguy cơ lại có thể bị một ông chủ khác lạm dụng. Lý do chỉ vì tiền: chị đã phải trả 2.000 USD tiền phí môi giới để có thể đặt chân sang đây. "Tôi vét sạch cả tiền của gia đình để đi", chị nói trong nước mắt. "Đời tôi coi như bỏ rồi. Tôi không thể trở về Việt Nam trắng tay được. Tôi phải tranh thủ cơ hội ở đây". T. Huyền (theo San Jose Mercury News) Việt Nam qua lăng kính New York Times
 | Tại nhà máy sản xuất ôtô của Ford ở Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
"Việt Nam là nước phát kinh tế nhanh thứ hai châu Á, với tốc độ 8,4%, chỉ sau mỗi Trung Quốc và tốc độ tăng hàng xuất khẩu sang Mỹ còn vượt cả Trung Quốc", tờ New York Times bình luận. Những công ty Mỹ như Intel và Nike, cùng các nhà đầu tư trên khắp khu vực, đang rót hàng tỷ đôla vào nước này. Việt kiều đang trở về để điều hành các doanh nghiệp. Cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, Tổng thống Mỹ George W Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Vladimir Putin đều sẽ tới Hà Nội để dự hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC. Đối với Việt Nam đây giống như một bữa tiệc ra mắt, quan trọng không kém gì Olympic Bắc Kinh 2008 ở Trung Quốc. “Tôi nghĩ họ sẽ là Trung Quốc tiếp theo”, Michael R.P.Smith, giám đốc điều hành ngân hàng HSBC nhận xét. “Không quy mô như Trung Quốc, nhưng cũng là một nền kinh tế đáng kể”. Cuối năm ngoái, tốc độ phát triển của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí Ấn Độ. Là con hổ kinh tế mới nhất ở châu Á, Việt Nam hiện sản xuất và sử dụng nhiều xi măng hơn Pháp, nước từng đô hộ họ. Chỉ số chính tại thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và thị trường chứng khoán nhỏ hơn ở Hà Nội năm nay đã gần tăng gấp đôi. Việt Nam đã trở thành chủ đề bàn luận của các ngân hàng và các nhà đầu tư khắp châu Á. Ở Việt Nam, sự tăng trưởng gần đạt mức hai con số đã bắt đầu gây nên tình trạng thiếu lao động tay nghề cao như ở Ấn Độ và Trung Quốc. Các lãnh đạo những công ty đa quốc gia như Group Lafarge của Pháp và Prudential của Anh nói rằng kiểm toán viên trong nước, người điều hành nhân sự và nhiều ngành nghề khác khan hiếm đến mức lương đã tăng 30% - 50%/năm. Nguyễn Hà, 34 tuổi, một kỹ sư hóa đang có công việc thứ ba trong 3 năm, lương luôn tăng vọt mỗi khi anh đổi chỗ làm. “Hiện giờ, tìm việc ở Việt Nam rất dễ dàng”, anh bình luận trong khi tiến hành một phân tích hóa học về chất lượng xi măng tại phòng thí nghiệm của một công ty ở đây. Các tuyến đường và cảng ở đây ngày càng xuất hiện nhiều ôtô và tàu, mức độ tắc nghẽn tệ hơn Trung Quốc nhưng chưa khủng khiếp như Ấn Độ. Tuy nhiên, tham nhũng đang làm chậm hoạt động xây dựng. Chính phủ đã phát hiện ra một vụ bê bối tham nhũng dẫn đến việc từ chức và bắt giữ một loạt các quan chức thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Các chính sách tự do hóa kinh tế đã được theo đuổi triệt để kể từ đầu thập kỷ 1990. Trong số những kiến trúc sư của chính sách này là một nhóm các nhà kinh tế tài năng như Lê Đăng Doanh, cố vấn của chính phủ, một người từng học ở Liên Xô và Đông Đức. Ông rất bức xúc về mức độ tham nhũng và sự hoạt động thiếu hiệu quả của các ngành công nghiệp quốc doanh. “Cải cách là không thể đảo ngược”, ông Doanh bình luận. “Bất kỳ nỗ lực nào để quay nền kinh tế trở lại tập trung bao cấp, quá chú trọng kinh tế quốc doanh là không hiệu quả và phản tác dụng”. Bộ Tài chính mới đưa ra dự thảo luật thuế cá nhân, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng giêng, đề xuất tới nhiều biện pháp miễn giảm thuế cho người giàu hơn cả ở Mỹ. Vì thế, đang diễn ra một cuộc tranh cãi quyết liệt tại Quốc hội về thuế thu nhập. Về một số phương diện, Việt Nam có chính sách ủng hộ doanh nghiệp hơn Trung Quốc. E ngại làm phật lòng cư dân đô thị, các nhà máy điện quốc doanh của Trung Quốc giảm thiểu số lần cắt điện ở các khu dân cư, nhưng lại cắt điện tại các xí nghiệp những 3 ngày/tuần, buộc họ phải sử dụng máy chạy điện diesel rất tốn kém. Việt Nam đi theo hướng ngược lại. Takashima Masayuki, tổng giám đốc một xí nghiệp may áo sơ mi và jacket của Nhật ở Biên Hòa bình luận, xí nghiệp không có cả máy phát điện vì giới chức tại đây không cho phép cắt điện tai khu công nghiệp. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh có khi vẫn bị cắt điện hai lần một ngày. Cũng như Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam hưởng lợi nhiều từ tầng lớp kiều bào. Hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước, sau khi đã học tiếng Anh, có kinh nghiệm quản lý và trình độ kỹ thuật. Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel ở Việt Nam và Đông Dương, chỉ mới 14 tuổi khi rời Việt Nam vào những ngày cuối cùng trước khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ. Anh đi bằng trực thăng cùng mẹ, một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ ở Đà Nẵng. Sau đó, anh học lấy bằng kỹ sư điện tử tại Đại học California, Davis, rồi gia nhập Intel và hiện quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Đó là việc xây dựng nhà máy bán dẫn và xưởng kiểm tra chất lượng, dự kiến sẽ tiêu tốn 300 triệu USD trong giai đoạn đầu và 300 triệu USD nữa cho việc mở rộng về sau. Các doanh nghiệp Mỹ đang bị Việt Nam hấp dẫn, nhưng họ vẫn ở sau các công ty Đài Loan, vốn là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam, tiếp đó là Singapore. Sức thu hút của Việt Nam với các công ty nước ngoài nằm ở lực lượng lao động trẻ. Ba phần năm trong số 84 triệu người có độ tuổi dưới 27. Và với chính sách giới hạn số con trong các gia đình ở hai thay vì một như ở Trung Quốc, trong nhiều năm tới Việt Nam vẫn sẽ có một lực lượng lao động dồi dào. Điển hình là Nguyễn Thị Hồng, 30 tuổi, mỗi sáng đều đi chiếc xe đạp cũ kỹ đứng chờ ngoài các xí nghiệp để tìm việc ở Biên Hòa. Trong khi đó, tại Trung Quốc, các xí nghiệp phải quảng cáo rầm rộ để tìm ngay cả lao động tay nghề thấp. Đeo chiếc khẩu trang để che bụi, Hồng cho biết cô và chồng, một người thợ máy đã tìm được việc ở đây, đã để lại dứa con một tuổi cho cha mẹ chồng trông hộ ở vùng quê miền Trung. Việt Nam đã giảm tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo khổ (dưới 1 USD/ngày) xuống còn 8% so với 51% năm 1990, khá hơn nhiều so với Trung Quốc hay Ấn Độ Nhưng mức thu nhập vẫn còn rất thấp so với tiêu chuẩn ở phương Tây. Có ít người Việt Nam bỏ tiền để ăn thịt bò Mỹ hay đi máy bay Boeing. Thặng dư thương mại giữa nước này và Mỹ tăng vọt: xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ đạt 5,56 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu đạt 625,9 triệu USD. Thuế chống phá giá là một vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam, sau khi Mỹ áp dụng đối với xuất khẩu cá basa 3 năm trước và Liên minh châu Âu gần đây áp dụng với giày xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc. Các quan chức Việt Nam cảnh báo rằng những vụ như vậy sẽ tổn hại đến môi trường làm ăn cho các doanh nghiệp Mỹ và dẫn tới sa thải tại các xí nghiệp may mặc, nơi đa số công nhân là những phụ nữ thu nhập thấp. “Họ đã chịu đựng nhiều từ chiến tranh, và chúng tôi không muốn họ phải chịu đựng hơn nữa”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, bình luận. “Các nhà đầu tư Mỹ không nên để mất chỗ đứng ở Việt Nam". Tuy nhiên, các công nhân dệt may ở Việt Nam những ngày này đang lạc quan nghĩ tới một tương lai mà con cái họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Cha mẹ tôi rất nghèo”, Nguyễn Thu Hoài, 28 tuổi, cho biết, khi cô đang gấp những chiếc jacket Nike màu xanh lá cây tại một xí nghiệp quốc doanh ở thành phố Hồ Chí Minh. “Nhưng tôi sẽ đủ tiền để cho con trai ăn học đàng hoàng”, cô nói và khoe khoản bảo hiểm Prudential khiêm tốn mà cô mua cho cậu con 2 tuổi của mình, trong đó bao gồm cả khoản chi phí học hành: “Nó sẽ có nhiều cơ hội hơn”. M.C. (dịch) VNExpress
Việt Nam - một "Con Rồng" đang vươn mình ở châu Á 16:10:03, 16/12/2006 | | Đó là nhận định của tờ "Thời báo Chủ Nhật" của Anh số ra mới đây khi đăng bài viết về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh "Khi Tập đoàn đóng tàu Graig, một tổ hợp đóng tàu lâu đời của Anh, cần tìm một xưởng đóng tàu chở hàng thế hệ mới, họ đã tìm đến một thị trường đóng tàu đầy tiềm năng - đó là Việt Nam. Chiếc tàu đầu tiên trong số mười sáu chiếc tàu chở hàng lớn của Graig mới đây đã hạ thủy trong tiếng vỗ tay hoan hỉ của các kỹ sư Anh và Ủy viên ban quản trị hãng đóng tàu Vinashin của Việt Nam. Theo hợp đồng đóng tàu trị giá 260 triệu bảng Anh, Vinashin đã đóng tàu với giá thành thấp hơn các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc với. Đây là một bước tiến lớn của Việt Nam. Sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá, 82 triệu dân Việt Nam đã chớp lấy cơ hội cải cách kinh tế để phục hồi đất nước". Bài báo nhận định xuất khẩu giày, hàng dệt may và đồ điện tử với giá cạnh tranh mới chỉ là một phần trong câu chuyện thành công của Việt Nam. Việt Nam đã xuất khẩu được 4 tỷ bảng dầu thô năm 2005 và cũng đã là nước xuất khẩu lớn trong các thị trường hàng hóa như cà phê, gạo, cá và các hải sản khác. Theo bài báo, hiện nay các công ty Anh quản lý khoảng 75 dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có HSBC, Standard Chartered, Prudential, Shell, BP, Glaxo Smith Kline, Tate & Lyle, Premier Oil and P&O Ports. Hãng Rolls-Royce cũng đang mở một văn phòng tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ, trong khi đó các hãng luật và kế toán cũng bận rộn với công việc do hoạt động đầu tư sôi nổi và cải cách tại Việt Nam tạo nên. Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 8,2% trong năm nay, chỉ đứng thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc, trong khi xuất khẩu tăng 25% trong 10 tháng đầu năm. Hoạt động của các doanh nghiệp cũng phát triển mạnh, chỉ riêng năm 2005, có tới 40.000 công ty tư nhân ra đời. Chỉ số chứng khoán của thị trường chứng khoán TP.HCM tăng tới hơn 60% trong năm nay. Nhân dân Việt Nam có truyền thống hiếu học - có lẽ đó là một trong những lý do tại sao hãng Intel của Mỹ đã cam kết đầu tư để xây dựng một nhà máy sản xuất bộ phận vi xử ký điện tử lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã đạt được thành công kỳ diệu trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, với tỷ lệ người nghèo giảm từ 51% xuống còn 8% trong vòng 15 năm qua. Kim ngạch từ hoạt động thương mại, viện trợ, kiều hối và đầu tư của nước ngoài đã giúp Việt Nam xuất siêu trong cán cân thanh toán. Bài báo cho rằng chắc chắn Việt Nam sẽ nổi lên thành một đối thủ cạnh tranh không dễ đánh bại của Thái Lan, Malaysia và Philippines. Có lẽ không phải là "Con Hổ", nhưng chắc chắn Việt Nam là một "Con Rồng" đang vươn mình.
|
|