Theo Dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính xây dựng, sẽ có 5 loại tài sản nằm trong diện bị đánh thuế này, gồm: Đất, nhà trên đất, ô tô, tàu bay và du thuyền.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiện có nhiều nước sử dụng thuế tài sản đánh trên đất. Tuy nhiên, ở các nước đất đai thuộc sở hữu tư nhân, và không có khoản thu “tiền sử dụng đất” cũng nộp vào ngân sách như ở Việt Nam. Theo ông Châu, trên văn bản tiền sử dụng đất không phải sắc thuế, vì đang quy định ở Luật Đất đai, nhưng bản chất vẫn là thuế vì thu vào ngân sách.

“Tiền sử dụng đất cũng thu vào ngân sách, nên có thể xem như một loại thuế đất. Giờ nếu thêm thuế tài sản đánh lên đất đai sẽ dẫn tới thuế chồng thuế”, ông Châu nói. Ông Châu tính toán, hiện tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá thành nhà chung cư, 30% giá nhà phố, 50% giá biệt thự. Do đó, theo vị này, nếu đánh thuế tài sản với nhà, đất phải giảm hoặc bỏ tiền sử dụng đất, hoặc chỉ đánh thuế với đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Vì 1ha đất nông nghiệp chỉ đáng giá vài chục tới vài trăm triệu đồng, nhưng nếu chuyển 1ha đó sang đất phi nông nghiệp giá trị có thể tới vài trăm tỷ đồng, khi đó mới cần đánh thuế.

Bộ Tài chính đưa ra phương án thuế tài sản ở mức 0,3% hoặc 0,4%, và mức sàn bắt đầu đánh thuế là nhà, đất có giá trị từ 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng trở lên. Trong đó, Bộ Tài chính nghiêng về chọn phương án mức thuế 0,4% cho nhà, đất có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, giúp ngân sách có thêm khoảng 31.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tận thu, thuế chồng thuế? - ảnh 1Với quy định đánh thuế tài sản nhà đất từ 700 triệu đồng trở lên, rất có thể những người đang sống trong căn hộ cũ kỹ ở khu tập thể Quỳnh Mai (Hà Nội) này sẽ phải chịu thuế tài sản. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nếu phải đánh thuế tài sản, đại diện HoREA cho rằng, mức sàn bắt đầu đánh thuế 700 triệu đồng quá thấp. Vì hiện giá nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp 15 triệu đồng/m2, căn nhà 60m2 giá đã 900 triệu đồng, người mua đã bị đánh thuế 0,4% cho số 200 triệu đồng vượt sàn. Như vậy, ông Châu cho rằng, sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp, đi ngược lại chính sách hỗ trợ nhà ở với đối tượng này của nhà nước. Dù theo dự luật, nhà ở xã hội được miễn thuế này, nhưng số nhà ở xã hội không nhiều và không phải ai có thu nhập thấp cũng tiếp cận được để được miễn thuế.

Người dân sốc vì các đề xuất tăng thuế

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, dù về nguyên tắc thu thuế tài sản là phù hợp thông lệ quốc tế. Ông Doanh cũng cảm thông với Bộ Tài chính đang chịu sức ép rất lớn phải tìm cách bù đắp nguồn thu ngân sách bị hụt do cắt giảm thuế xuất – nhập khẩu theo cam kết hội nhập. Tuy nhiên, vị chuyên gia này dẫn khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), với một nền kinh tế thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2.200 USD/người/năm như Việt Nam, chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP. Việc thu thuế không nên cao hơn tỷ lệ đó để khoan sức dân, giúp người dân có lợi nhuận tái đầu tư, cải thiện thu nhập. “Nhưng hiện chúng ta đã huy động thuế, phí lên tới khoảng 32% GDP rồi, tức cao hơn rất nhiều khuyến nghị của WB, nên chúng ta phải suy xét”, ông Doanh nói.

Về mức sàn chịu thuế Bộ Tài chính với nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, theo ông Doanh, mức này không hợp lý và dựa trên các thông số, định mức xây dựng lỗi thời, không theo giá thị trường. “Để có căn hộ nhỏ an cư, đa số người dân phải vay ngân hàng với lãi suất không thấp, giờ lại bắt họ đóng thuế sẽ đẩy họ vào thế khó khăn hơn. Cộng thêm cùng thời điểm Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường với xăng dầu, làm cho người dân cảm thấy sốc, nên đề xuất thuế tài sản bị đa số người dân phản ứng tiêu cực cũng dễ hiểu”, ông Doanh nhận định.

Còn GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cũng thông cảm với Bộ Tài chính và đồng ý phải có thuế tài sản. Tuy nhiên, ông Đào cho rằng, việc đánh thuế bao nhiêu, với loại tài sản nào mới là vấn đề lớn, vì mục tiêu của thuế tài sản phải hướng tới người thu nhập cao, nhiều tài sản giá trị để điều tiết lại cho công bằng hơn. 

Ông Đào cũng không đồng tính với mức sàn để bắt đầu đánh thuế với nhà, đất là từ 700 triệu đồng trở lên. Vì theo ông, với giá cả bất động sản hiện nay mức sàn trên quá thấp, nên sẽ đánh thuế vào tất cả mọi người có sở hữu nhà, đất ở thành phố (không chỉ với người giàu). Nếu nói các tỷ phú của Việt Nam, thì đa số dân là tỷ phú, vì giá cả Việt Nam hiện nay thì người có 1 tỷ đồng không hiếm. Ngoài ra, do đặc thù Việt Nam, tới 95% tài sản của mỗi gia đình được đầu tư vào nhà cửa, trong khi tỷ lệ này ở các nước chỉ 3-4%, nên mức độ tác động của thuế tài sản càng lớn. “Dù đồng ý có thuế tài sản, nhưng phải xét trên thực tế và đặc thù của Việt Nam để đưa ra cho hợp lý, chấp nhận được”, ông Đào nói. 

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, việc đưa ra Dự Luật Thuế tài sản nhằm tăng cường quản lý nhà nước với tài sản, có thêm nguồn thu đầu tư trở lại đất đai. “Thuế tài sản cũng nhằm điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội”, ông Thi nói.
Tuy vậy, từ các phân tích trên của chuyên gia và doanh nghiệp, có vẻ như Bộ Tài chính đang hướng tới thu được nhiều thuế, thay vì chỉ điều tiết với người có nhiều tài sản.

Theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mức thuế suất 0,03% với đất trong hạn mức (như ở TPHCM trong nội thành tối thiểu là 160m2, ngoại thành là 200m2 hoặc 250m2); mức thuế suất 0,07% đối với phần diện tích không quá 3 lần hạn mức; 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức. Như vậy, với đề xuất thuế tài sản 0,3% hoặc 0,4% với nhà, đất của Bộ Tài chính, mức thuế với đất tăng tới hơn 100 lần.

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) hôm qua 15/4 đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng Luật Thuế tài sản là cần thiết nhưng làm không khéo sẽ tác động đến thị trường bất động sản và người tiêu dùng.