Bắt dân nhịn đói cho quan chức lãnh đạo xây tượng Lê Nin
Về nơi nghèo nhất xứ Nghệ
Từ TP Vinh lên huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) khó khăn, xa cách tới mức mỗi lần chúng tôi muốn ngược rừng phải đấu tranh tư tưởng trước khi quyết định lên đường. Và để vào được xã Keng Đu, nơi nghèo nhất xứ Nghệ này, chúng tôi phải vượt thêm 75 km đường hiểm trở nữa. Keng Đu nằm lọt thỏm giữa núi rừng xanh thẳm, đang đối diện muôn vàn khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục...
Một góc bản Huồi Xui, xã Keng Đu, huyện biên giới Kỳ Sơn.
Nghèo đói bủa vây
Từ TP Vinh, chúng tôi vượt qua chặng đường dài gần 400 km mất gần 1 ngày trời để tới được xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Bắt đầu từ trung tâm xã chúng tôi đi xe máy vượt qua hơn 15 km đường rừng, cheo leo trên những lưng chừng núi, một bên là dòng sông Nậm Nơn sâu hun hút. Thi thoảng ngoảnh mặt nhìn xuống dòng Nậm Nơn, có cảm giác rợn người trước độ sâu. Do đường dốc, qua nhiều suối sâu, nên chúng tôi chỉ được dùng mỗi người một xe máy. Trên con đường lên dốc, xuống đèo đó, anh em phải “bò” hơn 2 h đồng hồ mới vào được bản Huồi Xui. Vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng đá cuội, có những lúc xe chúng tôi suýt trượt ngã. Khổ nhất là khi qua suối, hầu hết các con suối đều bị ngập nước khiến xe chết máy.
Người dẫn đường là cô giáo Trần Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Keng Đu - nói trong chua chát: “Hôm nay chúng ta khá may mắn là trời nắng. Nếu trời mưa chắc không đi xe máy được như thế này đâu. Đây là con đường độc đạo để vào bản nên chẳng còn cách nào khác, bởi nếu không đi được xe máy thì cách duy nhất là phải đi bộ. Có lần gặp trời mưa, cô giáo cắm bản ở đây phải lội qua suối nước ngang lưng quần suýt bị cuốn trôi. Còn các cô đi xe máy ngã trên đường thì nhiều vô kể. Ở đây các cháu, các cô có thừa sự thiếu thốn và luôn thiếu sự đủ đầy”.
Đúng như cô Lan nói, ngay từ chuyện di chuyển từ xã vào bản đã vất vả như vậy, thì đến việc cắm bản còn gian nan biết nhường nào, bởi người Khơ Mú rất ít nói tiếng Kinh. Gần vào bản, đứng trên dốc núi nhìn xuống xa xa những nếp nhà lợp fibro xi măng với một màu cũ kỹ - nhìn thoáng qua cứ tưởng đó như một bản làng hàng trăm năm tuổi. Những nếp nhà được làm bằng những thân gỗ cây rừng non, gỗ tạp trải qua cả chục năm trời nên cũng đã xuống cấp, nhất là những tấm ván quanh nhà đã bị rêu phong bám dày như cỏ.
Bản Huồi Xui nằm dưới chân đỉnh Huồi Xác, có 48 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. 100% bà con ở bản Huồi Xui là dân tộc Khơ Mú, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, thi thoảng xuống dưới dòng sông Nậm Nơn đánh con cá. Cuộc sống đều phải phụ thuộc vào thời tiết. Còn không, người dân chỉ biết ngửa mặt lên trời trông chờ thượng đế ban tặng. Chúng tôi đến, người trong các căn nhà sàn hai bên đường cứ “dán mắt” không rời.
Trẻ em ở Huồi Xui.
Dựng chiếc xe bên vách núi, do có hẹn từ trước nên trưởng bản Huồi Xui đã đứng đợi ở cửa. Trong cái nắm tay thật chặt, vừa nhấp ngụm chè rừng, trưởng bản Huồi Xui Lương Văn Doọc nói: “Bà con ta ở đây khó khăn lắm. Bà con học ít, trình độ dân trí thấp, sản xuất nương rẫy chịu nhiều ảnh hưởng của nắng nóng khá nhiều trong năm, rẫy dốc, cao. Đặc biệt, vùng này chịu ảnh hưởng thời tiết nóng, thường xảy ra dịch bệnh cho gia súc, trẻ em cũng hay mắc bệnh, gia đình nào cũng nghèo nên bữa ăn lúc đói, lúc no.
Theo Đại úy Hà Huy Thành - Chính trị viên đồn Biên phòng Keng Đu – thì dòng Nậm Nơn cũng chính là đường phân định biên giới Việt - Lào. Nơi đây bà con dân bản thường xuống đánh bắt cá cải thiện bữa ăn... nhưng cũng khá gian nan vất vả.
Ước mơ con chữ
Dù cái nghèo đói luôn bủa vây bản Huồi Xui nhưng mong muốn của người dân nơi đây vẫn là cho con em có con chữ, cùng với đó là mong muốn có điểm trường để các cháu có chỗ theo học. Theo báo cáo của UBND xã Keng Đu, toàn xã có hơn 800 hộ với 5.000 nhân khẩu, có 10 bản. Keng Đu có 2 dân tộc thiểu số là Khơ Mú và Thái, trong đó, dân tộc Khơ Mú với 9 bản chiếm hơn 90%, dân tộc Thái 1 bản. Riêng bản Huồi Xui có có 48 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, 100% bà con là dân tộc Khơ Mú.
Trong nhiều năm qua, Huồi Xui không chỉ thiếu ăn, trẻ em ở đây cũng thiếu chỗ học đúng nghĩa. Theo thống kê, tại bản Huồi Xui học sinh cấp 1 và mầm non có khoảng 55 em; trong đó bậc mầm non dao động từ 23-25 em, các em học sinh ở đây đi học là các cô phải vận động chứ không các bạn cứ thích là nghỉ học, nên nhiều khi lớp không có ai để dạy. Hiện điểm trường này là lớp học tạm, đã xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến công tác dạy, học của thầy và trò nơi đây. Tại điểm trường ở bản Huồi Xui, ngành Mầm non đã cử một cô giáo “cắm” chốt tại đây với nhiệm vụ vừa dạy học vừa nấu ăn cho các cháu.
Xeo Thị Tâm bên các học trò của mình.
Trò chuyện với cô Xeo Thị Tâm (SN 1994), cô cho biết: Tốt nghiệp ra trường, cô vào nhận công tác cắm bản gieo chữ ở đây được hơn 1 năm rồi. Đường sá đi vào điểm bản Huồi Xui đất đá, dốc trơn trượt và qua khe suối. Vào mùa mưa, nơi đây bị chia cắt với bên ngoài. “Em giảng dạy tại đây và thấy thương các cháu rất nhiều. Hằng ngày em phải đến từng nhà vận động các cháu đến lớp. Đến nhà, các cháu bảo không có cơm ăn nên không đến lớp đâu. Ở đây các cháu luôn thiếu ăn, nên hay theo bố mẹ lên rẫy. Cái khó khăn nữa đối với các cháu ở đây là không biết tiếng Kinh nên giảng dạy cũng vất vả. Có nhiều em bố mất, mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà, họ cũng quên đưa cháu đến trường luôn” - cô Tâm chia sẻ.
Điểm trường ở đây được bà con và chính quyền xã dựng lên bằng gỗ, huyện hỗ trợ lợp tôn với kinh phí khoảng 15 triệu đồng. Nói là điểm trường, nhưng chỉ là một gian nhà được quây bằng các tấm gỗ, trong khu vực bếp nấu ăn cũng là nơi cô giáo Xeo Thị Tâm kê giường ngủ. Hiện điểm trường này đã xuống cấp, hư hỏng, đồ dùng học tập cho các cháu mỗi khi mưa xuống cũng ảnh hưởng khá nhiều. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Ngam - Chủ tịch UBND xã Keng Đu - cho biết: “Từ trung tâm huyện đi vào xã Keng Đu gần 75 km. Đường sá đi lại quá khó khăn, mùa mưa nhiều hôm không đi được. Đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nương rẫy, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tự cung tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên, nắng kéo dài thì mất mùa. Năm vừa qua bà con dân bản mất mùa, do nắng nóng kéo dài. Hiện toàn xã có gần 1.347 học sinh từ bậc Mầm non đến THCS. Xã chúng tôi có tới gần 80% hộ nghèo, cao nhất của huyện Kỳ Sơn và cũng cao nhất tỉnh Nghệ An”. Ước mơ của chính quyền, đồng bào nơi đây vẫn là con chữ và giảm bớt khó khăn vất vả, cùng với đó là mong ước có trường lớp ổn định để con cháu ở đây được học hành đến nơi đến chốn, để cô giáo dạy học được chu đáo hơn.
Chúng tôi chia tay bà con bản Huồi Xui cũng là lúc trời nhá nhem tối. Trời chớm đông se lạnh, nhìn các cháu chân trần, áo mỏng mà xót xa.
Điền Bắc
Anh có về xứ Nghệ với em không?
(Xây dựng) - “Mai có người vào Sài Gòn, cháu gửi cá thu nướng cho dì nhé!” - Nhận được điện thoại của cô cháu gái từ Vinh, tự nhiên tôi thấy lòng ấm áp lạ!
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ (Ảnh: Internet). |
Dù đi khắp từ Nam chí Bắc, ăn chả thiếu loại cao lương mĩ vị nào, từ món dân giã đến món cao cấp như tôm hùm hào sữa... nhưng tôi vẫn ghiền món cá thu nướng của vùng biển xứ Nghệ. Những miếng cá to hơn bàn tay xòe, nướng vàng thơm nưng nức, chỉ cần chén nước chè xanh, mấy thìa nước mắm nhĩ, muỗng tiêu, muỗng đường, riu riu lửa cho cạn nước, ăn với cơm gạo quê dẻo ngọt thì thôi rồi, vừa bùi vừa ngọt vừa đậm đà, ngon nhức cả răng.
Ai trong quan niệm cũng nghĩ xứ Nghệ quê tôi là xứ quê nghèo khổ, nắng gió khát khô, chó ăn đá gà ăn sỏi, với lời ca "Quê Nghệ nghèo đành bạt xứ tha hương".
Đúng một phần nào thôi.
Đúng là quê tôi khí hậu khắc nghiệt, nắng thì xắn được, gió lào rờ nơi mô cũng khô, rét thì chả có gì mà không sun lại. Dải đất như eo đòn gánh luôn chịu nhiều sức nặng của trời, của đất, của người. Nhưng cũng vì vậy mà những thứ được sinh ra từ đó đã trở thành đặc sản.
Người xứ tôi mạnh mẽ, chịu thương chịu khó. Con gái xứ Nghệ xinh đẹp, vẻ đẹp khỏe mạnh mặn mòi không kém phần duyên dáng và kỳ lạ là mang rất nhiều nét của Pháp với mắt to, mũi cao.
Tình cảm người xứ Nghệ ấm áp chân tình. Ai đã từng yêu con gái xứ Nghệ sẽ cảm nhận được sự nồng nàn mạnh bạo lại rất hy sinh chung tình, thật đấy!
Thân thương dáng Mẹ (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Cả phong cảnh cũng vậy.
Quê Nghệ có nhiều cảnh đẹp nên thơ của biển, của rừng, của trung du, hải đảo, đủ cả, vẻ đẹp còn đậm chất hoang sơ, đang ít sự can thiệp của bàn tay con người.
Tôi bắt đầu trưởng thành đã xa quê, mấy mươi năm hễ có điều kiện, chỉ muốn quẩy về quê. Hồi đầu cứ nghĩ là do nhớ cha nhớ mẹ. Sau nghĩ hay tại mình yêu quê quá? Đâu phải mình không có điều kiện để đi du lịch khắp nơi đâu. Nhưng cứ thích về quê là sao?
Về để ngắm cảnh quê, để nói tiếng quê, để ăn cơm quê. Càng về càng thấm câu ca dao:
" Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô..."
Vô xứ Nghệ để mà nghe những điệu dân ca ngọt đến nỗi phải than: “Chơ hấn ăn chi mà hát lại ngọt thấu xương vậy trời.” Vô xứ Nghệ để thưởng thức những món đặc sản dân giã được chắt từ nắng khét, mưa tuôn, từ rét cong đòn gánh, gió khô mái đồi.
Những món ăn mang đậm chất Nghệ để nuôi lớn những ông nghè ông tổng, những thi sĩ, anh hùng, để rồi ai đi cũng đau đáu trở về, đi vì đất chật người đông, mưu sinh khốn khó, chứ không phải lìa quê vì chán quê.
Đi để mong được trở về úp mặt vào dòng sông quê. Để thao thức nỗi nhớ:
"Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Thì biết sống ở đời răng là nhục là vinh.."
Đi để quay về biết thế nào là hương vị quê hương, là dưa mùng muối chấm ruốc. Hay dưa mùng muối chua nấu canh cá tràu thêm vài lát ớt đỏ, chút lá mùi tàu là ăn đến thủng cả nồi cơm mà quên lời thề giữ dáng!
Là bữa cơm canh cua đồng nấu khế với đĩa rau muống luộc xanh um cùng bát tương vàng sóng sánh thơm thảo tình mẹ.
Quê tôi nhiều thứ ăn rất ngon, có thứ vùng khác cũng có. Nhưng có lẽ do thổ nhưỡng khí hậu nên hương vị rất khác khi được chế biến thành món ăn.
Ví như các món ăn từ lươn. Lươn thì ở đâu chả có, nhưng lươn xứ Nghệ đã trở thành thương hiệu. Người xứ Nghệ đã mang đặc sản ẩm thực về lươn quê mình đến nhiều vùng trong đất nước.
Nhưng phải về chính quê ăn mới ngon. Có lẽ ăn trong gió, trong nắng, trong hơi thở quê chăng?
Hồi đó, nhà tôi ngay đầu làng, trước nhà là cái ao thả cá, tiếp đó là dãy ruộng cũng thuộc bờ xôi ruộng mật. Có rất nhiều tôm cá lươn cua ốc... Bắc nồi cơm lên bếp, bảo chưa có đồ mặn, cô em út chỉ mò một hồi quanh ao và bờ ruộng thể nào cũng có cá, cua, ốc đem vào. Vậy là có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng ngay.
Buổi sáng mấy người đi đặt ống trúm ở ao nhà tôi và bác cả. Mẹ tôi hay gọi để mua lươn của họ.
Bữa nào lươn to mẹ cắt khúc, khía bỏ xương sống, trở sống dao giằn thành những miếng bằng 3 ngón tay, ướp nghệ, tiêu, mắm, bột ngọt, quấn lá lốt chiên giòn thơm nức mũi.
Bình yên xứ Nghệ (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Bữa thì mẹ đem om với gộc chuối, thứ gộc chuối hột, đào lên, rửa sạch, ngâm nước vo gạo trắng hồng, xắt sợi, muối chua giôn giốt, giòn giòn, đem om với lươn nêm chút nghệ với ớt và rau răm, đảm bảo chả có thứ sơn hào hải vị lưu trong trí nhớ lâu vậy đâu.
Nhưng mẹ hay nấu cháo. Gạo quê sôi sùng sục, mùi cháo dậy ngát cả hiên nhà, con gì trong bụng cứ cựa quậy réo lên đưa bước chân và mọi giác quan hướng về nơi gian bếp của mẹ.
Mẹ cầm con lươn đã làm sạch nhớt nhưng còn sống nhăn ghé vào nồi cháo, dùng dao cứa khẽ vào cổ con lươn cho huyết lươn chảy hết vào cháo. Mẹ bảo thế mới ngọt, rồi mẹ nhẹ nhàng thả con lươn đã khô huyết vào nồi.
Sau một hồi sôi lục bục, nồi cháo bốc mùi thơm ngào ngạt. Con lươn được mẹ vớt ra khỏi nồi cháo chín nứt nhóng nhánh. Mẹ một tay kẹp đầu con lươn. Một tay cầm đũa kẹp cổ con lươn kéo nhẹ xuống, những mảnh thịt lươn vàng ươm khoanh tròn trong dĩa. Loáng cái trong tay mẹ chỉ còn khúc xương sống lươn dài ngoằn.
Mỗi đứa một bát cháo lươn nghi ngút khói nóng húp xì xụp. Cháo nhừ thơm mùi gạo, lươn mềm nhưng dai và không bở, cứ như lụa trong miệng, không hề tanh mà ngọt lừ béo bùi thêm chút ớt tiêu cay cay, chút rau răm và ngò gai mẹ thái rí cùng lát chanh là lũ chúng tôi xuýt xoa ăn chảy cả nước mắt nước mũi. Để khi ăn xong thấy trời cao hơn, mây nắng vàng hơn...
Những món ăn cồn cào trong nỗi nhớ (Ảnh: Internet). |
Chúng tôi đã yên bình lớn lên trong vòng tay cha mẹ với những món ăn dân dã thơm thảo từ bàn tay tảo tần khéo léo của mẹ. Để rồi lớn lên làm những cánh thiên di, nhớ về quê, nhớ về mẹ. Hương vị những món ăn của mẹ ngày nao đã trở thành đặc sản. Niềm thương nỗi nhớ này dành cả cho mẹ, cho quê.
Hoa Ma