TT Trump lên tăn-xông, trở nên nguy hiểm, đơn độc trong tòa Bạch Ốc, nổi giận vì bị luận tội lần 2, luật sư chê!
14.01.2021 14:46
Dân trí - Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho đang đơn độc và ông tỏ ra tức giận vì các đồng minh đã không bảo vệ ông đủ mạnh, dẫn tới việc ông bị luận tội lần 2, truyền thông Mỹ đưa tin.
TT bị trầm cảm, lên tăn xông
Nhấn để phóng to ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Ngày 14/1, ông Trump đã trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 2 lần khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn tính bằng ngày.
Washington Post dẫn các nguồn thạo tin cho biết, ông Trump đón nhận tin tức bị luận tội lần nữa trong bối cảnh nhóm cố vấn thân cận với ông ngày càng thu hẹp, các văn phòng trong Nhà Trắng trở nên vắng vẻ và ông Trump tỏ ra không hài lòng.
Tổng thống Mỹ được cho là giận dữ vì các đồng minh của ông đã không bảo vệ ông đủ mạnh mẽ, dẫn tới việc ông bị Hạ viện luận tội vì cáo buộc kích động đám đông xông vào nhà quốc hội hôm 6/1.
Các nguồn tin cho biết, ông Trump dường như vẫn đang "cơm không lành, canh không ngọt" với Phó tổng thống Mike Pence. Trong khi đó, quan hệ giữa ông và luật sư riêng được cho cũng đang rạn nứt.
Theo các trợ lý, ông Trump đã chỉ đạo không trả lệ phí pháp lý cho ông Giuliani. Trước đó, các nguồn tin nói rằng ông Trump dường như không đồng ý với một số động thái của ông Giuliani và không đồng tình với việc luật sư này đòi mức phí 20.000 USD/ngày để giúp ông Trump lật ngược kết quả bầu cử.
Các nguồn tin cho biết, ông Trump tỏ ra bất bình khi không một đồng minh hay cố vấn nào lên tiếng bảo vệ ông trước sự quyết tâm của Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát nhằm đưa ông ra luận tội lần 2. Những nhân vật mà Washington Post kể đến bao gồm Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner, cố vấn kinh tế Larry Kudlow, cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.
Một trong số ít những đồng minh lên tiếng bảo vệ ông Trump trong những ngày qua là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham. Ông Graham đã di chuyển tới Texas để gặp ông Trump trong hàng giờ đồng hồ trên Không Lực Một, nói về vấn đề luận tội và giúp ông Trump lên kế hoạch trong những ngày cuối ở Nhà Trắng. Ông Graham nói rằng ông Trump dường như đã chấp nhận việc thua bầu cử, dù ông vẫn nghĩ rằng có gian lận nhưng "không điều gì có thể thay đổi nó".
Các nguồn tin cho biết ông Trump đã nhờ ông Graham vận động một số thượng nghị sĩ tha bổng cho ông khi hồ sơ luận tội được trình lên Thượng viên. Một số nhà làm luật đã gọi cho ông Trump hôm 12/1 để thông báo cho ông rằng họ có ý định sẽ bỏ phiếu tha bổng cho Tổng thống.
"Tôi đã nói với ông ấy, hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa đều tin việc luận tội là không có lợi cho đất nước và không cần thiết", ông Graham trấn an ông Trump khi Tổng thống quan ngại vì một số nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ việc luận tội.
Tuy nhiên, ông Trump được cho đã nổi giận khi đồng minh của ông, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell bỏ ngỏ khả năng có thể bỏ phiếu chống lại ông Trump. Mặc dù vậy, trong các trao đổi với cố vấn, ông Trump dường như tin rằng ông sẽ không bị phế truất trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào này 20/1.
Ngoài ra, ông Trum được cho cũng lo ngại về kịch bản ông phải đối mặt sau khi rời nhiệm sở khi ông bị các mạng xã hội khóa tài khoản. Công ty tổ chức giải đấu golf PGA loại bỏ các câu lạc bộ golf của ông khỏi danh sách và một số ngân hàng dường như sẽ không cho ông vay tiền trong tương lai.
Nhà Trắng ảm đạm
Washington Post mô tả rằng bầu không khí tại Nhà Trắng là khá mệt mỏi và cấp dưới của ông Trump được cho đã "kiệt sức" và nghĩ rằng ngày 20/1 sẽ tới sớm nên họ không lên tiếng bảo vệ ông. Một trong những người hiếm hoi lên tiếng bảo vệ ông Trump là cố vấn chính trị Jason Miller.
Tuy nhiên, ông Miller không bảo vệ ông Trump trước các cáo buộc kích động bạo lực, mà cảnh báo rằng những người bỏ phiếu luận tội ông Trump sẽ phải trả giá. Ông Miller gửi cho các nhà báo một khảo sát cho thấy đa số cử tri ở các bang chiến địa đều phản đối việc luận tội ông Trump và việc các công ty công nghệ lớn khóa tài khoản của ông.
Trong những ngày cuối ở Nhà Trắng, ông Trump chỉ trao đổi với các thành viên gia đình, các trợ lý như ông Meadows và Miller.
Trong khi đó, một số cố vấn và cựu cố vấn lâu năm của ông Trump cho rằng ông lẽ ra nên dành những tuần cuối của nhiệm kỳ để tôn vinh những thành tựu ông đạt được trong nhiệm kỳ 1, chứ không nên để nước Mỹ "chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng ở nhà quốc hội".
Đức Hoàng
Theo Washington Post
Lảm nên lịch sử: Bị luận tội lần hai, điều gì xảy ra tiếp theo với TT Trump?
Dân trí
Sau khi bị luận tội lần hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chờ phiên xét xử ở Thượng viện và phiên xét xử này có thể sẽ rất khác so với lần đầu tiên khi ông được "trắng án".
Nhấn để phóng to ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chủ trì phiên bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump ngày 13/1. (Ảnh: EPA)
Với tỷ lệ 232-197 phiếu, Hạ viện Mỹ ngày 13/1 đã thông qua luận tội Tổng thống Donald Trump với điều khoản luận tội duy nhất - "kích động bạo lực". Quyết định này khiến ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần. Đến nay, tổng cộng 3 tổng thống Mỹ từng bị luận tội gồm Andrew Johnson (1868), Bill Clinton (1998) và Donald Trump (2019) và đều được tuyên trắng án. Năm 1974, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã từ chức để tránh kịch bản bị quốc hội luận tội và kết tội.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ký thông qua bản luận tội ông Trump khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn một tuần nữa. Rắc rối với ông Trump sẽ chưa dừng lại ở đó.
Xét xử tại Thượng viện
Sau khi thông qua luận tội, Hạ viện sẽ gửi bản luận tội lên Thượng viện để chuẩn bị cho quá trình xét xử Tổng thống Trump tại đây. Phe Dân chủ kêu gọi Thượng viện tiến hành xét xử luận tội Tổng thống ngay lập tức.
Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ chỉ làm việc trở lại từ ngày 19/1. Ngoài ra, Lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết, quá trình xét xử ông Trump sẽ được thực hiện sau ngày Tổng thống đắc cử Joe Biden (20/1). Điều này đồng nghĩa với việc, quá trình xét xử ông Trump sẽ diễn ra vào những ngày đầu nhiệm sở của ông Biden hay khi ông Trump đã hết nhiệm kỳ. Quá trình xét xử này có thể kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần. Điều đó làm dấy lên lo ngại quá trình xét xử ông Trump sau ngày 20/1 có thể khiến quốc hội Mỹ không thể tập trung hoàn toàn cho chương trình nghị sự của ông Biden.
Cựu tổng thống có thể bị kết tội không?
Nhấn để phóng to ảnh
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu ông Trump có thể bị xét xử và kết tội khi đã hết nhiệm kỳ không. (Ảnh: Reuters)
Theo quy định của hiến pháp Mỹ, nếu bị Thượng viện kết tội, tổng thống sẽ bị phế truất ngay lập tức và sau đó Thượng viện có thể tiến hành thêm một cuộc bỏ phiếu với số phiếu quá bán để ngăn tổng thống bị phế truất tái tranh cử hay giữ chức vụ trong chính quyền liên bang về sau.
Trong khi đó, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu Thượng viện Mỹ có thể xét xử và kết tội một cựu tổng thống hay không vì chưa có tiền lệ nào.
Hiến pháp Mỹ nêu, việc kết tội chỉ áp dụng với "quan chức dân sự", nghĩa là người còn đương chức vào thời điểm xét xử, luận tội. Trong trường hợp ông Trump bị xét xử sau ngày 20/1, lúc này ông đã mãn nhiệm và trở thành một công dân bình thường. Do vậy, ông J. Michael Luttig, cựu thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang khu vực 4 của Mỹ, cho rằng theo hiến pháp Mỹ, ông Trump không thể bị luận tội sau ngày 20/1.
Ngược lại, nhiều học giả cho rằng việc kết tội cựu tổng thống là hợp hiến. Họ viện dẫn ví dụ, năm 1876, Bộ trưởng Chiến tranh của Mỹ William Belknap đã từ chức chỉ vài phút trước khi Hạ viện luận tội ông và Thượng viện vẫn tiến hành xét xử. Kết quả là ông Belknap bị tuyên có tội. Thượng viện Mỹ lý giải, họ có thẩm quyền tiến hành xét xử một cựu công chức.
Do vẫn còn nhiều tranh cãi về việc quốc hội có thể kết tội một cựu tổng thống hay không, nên giới quan sát cho rằng, ông Trump có thể sẽ theo đuổi một cuộc chiến pháp lý tại tòa án liên bang để thách thức quyết định xét xử ông sau khi mãn nhiệm. Các nguồn thạo tin cho biết, ông Trump đang cân nhắc chọn John Eastman, một chuyên gia luật từng hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của ông, đảm nhận vai trò biện hộ cho ông tại phiên xét xử.
Ông Trump có thể mất một số quyền lợi
Trong quá trình xét xử tại Thượng viện, nếu ít nhất 2/3 trong số 100 thượng nghị sĩ ủng hộ bản luận tội của đảng Dân chủ, thì ông Trump sẽ bị kết tội. Nghĩa là để kết tội ông Trump cần sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa. Sau đó, Thượng viện có thể bỏ phiếu tiếp để cấm ông Trump tái tranh cử trong tương lai. Ông Trump nhiều lần phát tín hiệu sẽ tái tranh cử vào năm 2024, nhưng với tình hình hiện nay, tham vọng đó của ông sẽ khó thành hiện thực.
Bị kết tội khi chưa hết nhiệm kỳ thì ông Trump sẽ bị phế truất, nhưng nếu bị kết tội khi đã mãn nhiệm thì ông Trump có thể chỉ bị cấm tái tranh cử và mất một số quyền lợi dành cho cựu tổng thống như lương hưu trọn đời, ngân sách hỗ trợ chi phí đi lại hàng năm, hỗ trợ lập văn phòng và trả lương nhân viên trên đất Mỹ. Một quyền lợi sẽ không bị ảnh hưởng kể cả khi ông Trump bị kết tội đó là được Mật vụ bảo vệ trọn đời.
Ông Trump có dễ bị kết tội?
Ông Trump có dễ bị kết tội?
Nhấn để phóng to ảnh
10 hạ nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu luận tội ông Trump, nhưng hiện tại mới chỉ có 1 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ kết tội ông ở Thượng viện. (Ảnh: Getty)
Hạ viện đã dễ dàng thông qua luận tội ông Trump khi 10 nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía Dân chủ, ủng hộ luận tội ông. Tuy nhiên, bỏ phiếu kết tội ở Thượng viện có thể không đơn giản như vậy.
Hiện tại đảng Dân chủ giữ 48 ghế ở Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa giữ 50 ghế. Số ghế của đảng Dân chủ sẽ tăng lên 50 khi hai thượng nghị sĩ đắc cử của bang Georgia tuyên thệ nhậm chức, cộng thêm với lá phiếu mang tính quyết định của Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris - người sẽ đồng thời là Chủ tịch Thượng viện. Để có được lá phiếu ủng hộ kết tội ông Trump của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa không đơn giản dù vụ biểu tình bạo loạn ở quốc hội tuần trước khiến một số nghị sĩ Cộng hòa "quay lưng" lại với Tổng thống sắp mãn nhiệm.
Đầu năm 2020, ông Trump được Thượng viện tuyên trắng án sau khi bị Hạ viện luận tội. Khi đó, không thượng nghị sĩ Cộng hòa nào ủng hộ kết tội ông Trump. Lần này, tính đến ngày 13/1 mới chỉ có một thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ kết tội vị tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Minh Phương Theo Vox, Bloomberg, Reuters
Sám hối hay đạo đức giả:Ông Trump lên án bạo loạn sau khi Hạ viện phê duyệt luận tội
Dân trí
Tổng thống Donald Trump đã lên án vụ bạo loạn do những người ủng hộ ông gây ra tại tòa nhà quốc hội hôm 6/1.
Nhấn để phóng to ảnh
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Twitter)
"Tôi muốn nói rõ rằng: Tôi thẳng thừng lên án vụ bạo lực mà chúng ta đã chứng kiến tuần trước. Bạo lực và hành vi phá hoại hoàn toàn không được chấp nhận tại đất nước của chúng ta cũng như trong phong trào của chúng ta. "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" luôn hướng đến việc bảo vệ luật lệ, ủng hộ những thành viên trong lực lượng thực thi pháp luật, củng cố những giá trị và truyền thống thiêng liêng nhất của đất nước chúng ta", Tổng thống Donald Trump nói trong video được chia sẻ trên trang Twitter của Nhà Trắng hôm 13/1, sau khi trang Twitter của Tổng thống bị khóa tài khoản.
Đoạn video được công bố ngay sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu chính thức thông qua luận tội Tổng thống Donald Trump với điều khoản luận tội duy nhất: "kích động bạo lực". Theo đó, ông Trump chính thức trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần.
Quyết định luận tội đối với Tổng thống được đưa ra một tuần sau vụ bạo loạn do những người ủng hộ ông Trump gây ra tại trụ sở quốc hội Mỹ hôm 6/1, khi quốc hội đang họp để xác nhận kết quả bầu cử. Vụ việc khiến 5 người thiệt mạng. Trước khi xảy ra bạo loạn, ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ ông biểu tình để phản đối kết quả bầu cử.
Trong video được đăng trên tài khoản chính thức của Nhà Trắng, ông Trump lên án hành vi bạo lực tại tòa nhà quốc hội, đồng thời khẳng định những người ủng hộ ông thực sự sẽ không bao giờ kích động bạo lực.
"Bạo lực kiểu phá hoại đi ngược lại với tất cả những gì mà tôi tin tưởng và tất cả những gì mà phong trào của chúng ta đang đại diện. Không người ủng hộ chân chính nào của tôi lại ủng hộ bạo lực chính trị. Không người ủng hộ chân chính nào của tôi lại thiếu tôn trọng lực lượng thực thi pháp luật. Không người ủng hộ chân chính nào của tôi lại đe dọa và quấy rối những người Mỹ khác. Nếu bạn làm những điều này, bạn không giúp ích gì cho phong trào của chúng ta, mà bạn đang tấn công chính phong trào và tấn công cả đất nước của chúng ta. Chúng ta sẽ không dung thứ cho điều đó", ông Trump khẳng định.
Tổng thống Trump khẳng định những đối tượng bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ tuần qua sẽ bị đưa ra trước công lý. Ông kêu gọi những người ủng hộ tìm cách "hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế nóng giận và góp phần thúc đẩy hòa bình" tại Mỹ. Ông cho rằng nước Mỹ trong năm qua đã chứng kiến "quá nhiều bạo loạn", ngụ ý phong trào biểu tình đòi quyền lợi của người da màu.
Tổng thống Trump cũng chỉ trích "những mối đe dọa tiềm tàng" từ các cuộc biểu tình ở Washington cũng như trên khắp nước Mỹ, sau khi các cơ quan thực thi pháp luật cảnh báo về các cuộc biểu tình do các nhóm lên kế hoạch trong vài ngày tới, khi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden diễn ra. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định người Mỹ có quyền bày tỏ quan điểm một cách hòa bình.
"Trước những thông tin về việc có thêm các cuộc biểu tình, tôi kêu gọi không được có bạo lực, không vi phạm pháp luật và không có hành động cố ý phá hoại dưới bất kỳ hình thức nào. Đó không phải điều tôi hay nước Mỹ ủng hộ", ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống cũng gửi thông điệp đoàn kết, kêu gọi người Mỹ xích lại gần nhau.
"Chúng ta hãy lựa chọn đoàn kết tiến về phía trước, vì những điều tốt đẹp của gia đình chúng ta, cộng đồng chúng ta và đất nước chúng ta", ông Trump nói trong video.