Vượt sông Dnieper, Ukraine tiến lên tái chiếm lãnh thổ bị Nga chiếm đóng từ 2014
19.10.2023 20:52
Theo các nguồn tin của Nga, các lực lượng Ukraine đã vượt sông Dineper và thiết lập một vị trí ở bờ đối diện, cùng lúc đó, Kiev cũng tiến vào lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine.
Ukraine đổ bộ lên bờ Đông sông Dnieper
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, quân đội Ukraine đã thiết lập một vị trí chiến lược nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trấn Poima và tiến về phía Bắc tới thị trấn Pishchanivka gần đó.
Theo đó, các đơn vị của hai Lữ đoàn thủy quân lục chiến Ukraine đã tiến vào đất liền tới các thị trấn Poima và Pishchanivka và bắt đầu củng cố lực lượng tại đây. Ukraine đã có được một vị trí ở khu vực do Nga kiểm soát sau một chiến dịch tấn công liên tục bằng pháo binh và máy bay không người lái.
Trong khi đó, một video ghi lại cảnh trên chiến trường cho thấy, pháo binh Nga đang nhắm mục tiêu vào lực lượng Ukraine gần một cây cầu đường sắt ở tả ngạn sông Dnieper. Qua video, không rõ liệu Ukraine có thể thiết lập sự hiện diện lâu dài trong khu vực hay không. Một đoạn video khác lại cho thấy lực lượng Ukraine đang di chuyển khỏi khu vực giao tranh ban đầu và quay trở lại nơi an toàn hơn gần cầu Antonivka.
Chuyên gia Nga Vladimir Rogov cho biết, tình hình xung quanh khu vực gần như không có gì thay đổi khi cả Nga và Ukraine vẫn tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái.
Blogger quân sự người Nga Vladimir Kulikovsky ngày 18/10 cho hay cuộc vượt sông Dnieper của thủy quân lục chiến Ukraine diễn ra trước 3 ngày “bắn pháo dữ dội” nhắm vào các vị trí của Nga ở tả ngạn sông Dnieper. Theo ông Kulikovsky, các máy bay không người lái của Nga đã phá hủy những chiếc thuyền mà Ukraine chiến sử dụng để băng qua sông Dnieper. Lực lượng mặt đất của Nga đã ngăn chặn quân đội Ukraine thiết lập hoàn toàn vị trí trong khu vực.
Theo ông Rogov, các đội trinh sát Ukraine cũng đã đổ bộ bằng thuyền và đang tập trung ở làng Krynok và trên đảo Kazatsky.
Trong khi đó, các quan chức Nga cho biết quân đội nước này chặn bốn nhóm trinh sát Ukraine vượt sông Dnieper.
“Nỗ lực của đối phương nhằm giành chỗ đứng ở bờ Đông không mang lại kết quả gì. Các đơn vị của Nga đã khiến đối phương chịu thất bại nặng nề và tổn thất lớn”, tỉnh trưởng Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo ngày 18/10 thông báo.
VOV.VN - Khi mùa đông đến gần, cả quân Nga lẫn quân Ukraine đều tìm cách giành quyền chủ động dọc theo chiến tuyến. Riêng Nga đẩy mạnh nỗ lực này một cách đáng kể.
Mục đích của Ukraine khi vượt sông Dnieper
Để tiến hành một cuộc tấn công vào vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, Ukraine sẽ phải thực hiện các cuộc tấn công đổ bộ qua sông Dnieper vì tất cả các tuyến đường chính đã bị phá hủy.
“Hoạt động đổ bộ của Ukraine có rủi ro cao nhưng cũng có thể mang lại lợi ích cho Kiev. Nếu thành công, Ukraine sẽ có cơ hội tiến gần đến Bán đảo Crimea và vượt qua các công sự của Nga ở Zaporizhzhia”, công ty tư vấn quân sự Rochan Consulting nhận định.
Theo Telegraph, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực hiện kế hoạch trên của Ukraine cũng có thể sẽ lặp lại các chiến thuật mà lực lượng nước này đã sử dụng ở phía Đông khu vực Zaporizhzhia và Donetsk.
Các nhà phân tích phương Tây đánh giá, Ukraine đang nỗ lực tiến về phía bờ Biển Đen nhằm xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga và mở ra một tuyến đường mới hướng tới Crimea.
Mới đây nhất, Ukraine đã nhận được hệ thống tên lửa tác chiến lục quân ATACMS do Mỹ cung cấp. Quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga ở miền Đông Ukraine.
Các nhà bình luận Nga cho rằng, với việc hệ thống ATACMS được triển khai trên chiến trường, Ukraine sẽ tìm cách tấn công vào vùng lãnh thổ ở tả ngạn để nhắm mục tiêu vào các trung tâm hậu cần phía sau tiền tuyến của Nga.
“Thông tin về việc mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát của Lực lượng Vũ trang Ukraine trên bờ sông Dnieper cho thấy kế hoạch tạo ra một vị trí chiến lược đối với các hành động tiếp theo”, kênh Two Majors trên Telegram cho hay.
Kênh này cho biết thêm, một yếu tố mới trên chiến trường là sự xuất hiện của ATACMS, tên lửa tầm xa mà Ukraine đã sử dụng để tấn công vào các sân bay trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Berdiansk và Lugansk.
“Ở giai đoạn tiếp theo, Ukraine có thể sẽ cố gắng tiến hành các cuộc tấn công nghi binh để tiếp cận các khu vực ở phía Nam, cũng như các cuộc đột kích quy mô lớn bằng UAV”.
Trong khi đó, công ty Rochan Consulting nhận định rằng, ưu thế vẫn đang nghiêng về phía Nga.
“Khi nhìn vào số lượng đơn vị cả hai bên triển khai, rõ ràng là phía Ukraine ít hơn. Để tiến hành được các hoạt động tấn công bất ngờ, Ukraine cần cần sự phối hợp cao của pháo binh, cho phép Kiev thiết lập và mở rộng khu vực gần bờ sông Dnieper. Ukraine có thể sẽ gặp khó khăn nếu không triển khai thêm đội hình”, Rochan Consulting cho hay.
VOV.VN - Quân đội Nga sử dụng hệ thống pháo phản lực "hỏa thần nhiệt áp" Nga TOS-1A để oanh kích lực lượng Ukraine vượt sông Dnieper nhằm giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát. Đạn pháo gây nổ lớn tại mục tiêu.Mai Trang/VOV.VN, Tổng hợp
Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp
Tác giả,Robert Greenall & Chris Partridge, nhà phân tích vũ khí
Vai trò,BBC News
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp lần đầu tiên.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi có thông tin về loại vũ khí mang tên ATACMS đã phá hủy chín máy bay trực thăng tại các căn cứ của Nga ở phía đông đất nước.
Ukraine chưa xác nhận là tên lửa đã được sử dụng.
Ukraine cho biết hệ thống phòng không và các thiết bị khác nằm trong số các mục tiêu bị tấn công ở Berdyansk và Luhansk.
Hàng chục binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến dịch này.
“Chúng đã hoạt động rất chính xác. ATACMS đã chứng tỏ năng lực của mình”, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu đăng trên mạng xã hội hàng đêm mà không đưa ra thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm chúng được sử dụng.
Quân đội Nga chưa bình luận.
Chính quyền Biden trước đó đã từ chối cung cấp ATACMS cho Ukraine, nhưng đã quyết định "trong những tuần gần đây" sẽ âm thầm gửi loại tên lửa tầm xa này, hãng truyền thông Mỹ CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ.
Người ta nói rằng Washington muốn gây bất ngờ cho Moscow, phòng trường hợp Nga di chuyển thiết bị và vũ khí ra khỏi tầm bắn trước khi tên lửa có thể được sử dụng.
Theo hãng tin AP, do lo ngại căng thẳng với Nga nên tên lửa cung cấp cho Ukraine, có tầm bắn thấp hơn mức tối đa mà hệ thống này có thể đạt được.
AP đưa tin, tên lửa biến thể được chuyển tới Kyiv mang theo bom chùm có khả năng phóng hàng trăm quả bom nhỏ từ trên không thay vì một đầu đạn đơn lẻ.
Bom chùm đang gây tranh cãi và bị cấm ở hơn 100 quốc gia do chúng đe dọa dân thường.
Vladimir Rogov, Thống đốc vùng Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, cho biết các hệ thống phòng không "đã đánh chặn thành công tên lửa của đối phương" trên Berdyansk, đồng thời cho biết thêm thông tin về thương vong và thiệt hại đang được kiểm kê và sẽ cập nhật sau.
Tuy nhiên, một đoạn video chưa được xác minh trên một tài khoản mạng xã hội thân Nga - được cho là quay ở Berdyansk - dường như cho thấy các vụ nổ và tên lửa bay, trong đó có giọng nói giải thích rằng một bãi chứa đạn dược đã bị tấn công.
Một blogger người Nga khác đã viết về một cuộc tấn công vào sân bay bằng tên lửa ATACMS, gây ra điều mà tác giả mô tả là một "cú nổ nghiêm trọng", gây thiệt hại về người và công nghệ.
ATACMS không xuất hiện trong danh sách viện trợ quân sự cho Kyiv được Mỹ công bố hồi tháng 9.
Nhưng những bức ảnh chưa được xác minh đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba cho thấy các căn cứ của Nga đã bị tấn công bằng cách sử dụng biến thể MGM-140A đời đầu của ATACMS - phiên bản tầm ngắn hơn của dòng vũ khí này với khoảng cách tấn công khoảng 160 km.
Đặc biệt, số hợp đồng được đóng dấu ở bên cạnh chỉ về một hợp đồng cung cấp tên lửa dự kiến hoàn tất vào năm 1997.
Việc Kyiv có được hệ thống ATACMS thể hiện sự tăng cường đáng kể về khả năng tấn công sâu hơn vào lãnh thổ do Nga chiếm giữ.
Quân đội Ukraine cho biết cuộc tấn công vào Berdyansk xảy ra lúc 04:00 giờ và vào Luhansk lúc 11:00 giờ, theo giờ địa phương.
Berdyansk cách tiền tuyến gần nhất khoảng 85 km và có tầm quan trọng chiến lược vì nằm giữa Mariupol và Crimea. Luhansk cách tiền tuyến gần 100km.
Các cuộc đụng độ tiếp tục xảy ra dọc theo chiến tuyến, bao gồm xung quanh các thị trấn Avdiivka, Kupyansk và Lyman do Ukraine nắm giữ, những nơi đang hứng chịu các đợt bắn phá dữ dội của lực lượng Nga trong những ngày gần đây.
Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Ukraine cho biết một tòa nhà ký túc xá đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công của Nga vào thành phố phía đông Slovyansk, với hai người được cho là bị kẹt dưới đống đổ nát.
Tại Odesa, chính quyền cho biết các mảnh vỡ từ máy bay không người lái của Nga bị bắn hạ đã làm hư hại một câu lạc bộ du thuyền và một số du thuyền, nhưng không gây thương vong.
Ukraine đang cố gắng giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở phía đông và phía nam nước này thông qua một cuộc phản công lớn, nhưng cho đến nay tiến độ rất chậm.
Ukraine cũng thường xuyên thực hiện các cuộc không kích vào các vị trí của Nga nhằm mục đích làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Moscow.
Nga cũng đã tấn công các vị trí của Ukraine ở phía đông xung quanh Avdiivka và Kupyansk, nhưng theo báo cáo của Ukraine, họ đã phải chịu thương vong nặng nề trong những ngày gần đây.
Mẫu tên lửa tầm xa có thể giúp Ukraine khoét sâu hậu cứ Nga
Ukraine được Mỹ chuyển giao tên lửa ATACMS mang đạn chùm, vũ khí có thể giúp họ tập kích sân bay, tuyến tiếp tế Nga ở sâu trong hậu cứ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 17/10 thông báo Mỹ đã chuyển giao Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) cho Ukraine như cam kết trước đó của Tổng thống Joe Biden. Ông cho biết tên lửa "đã thể hiện được năng lực và độ chính xác", song không nêu rõ mục tiêu bị hệ thống tên lửa này tập kích.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson sau đó xác nhận nước này đã cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine. "Chúng tôi tin rằng ATACMS sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của Ukraine mà không làm suy giảm năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ", bà nói.
Quân đội Ukraine ngày 17/10 công bố video cho thấy tổ hợp pháo phản lực HIMARS liên tiếp phóng ba Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) từ một rặng cây trong đêm. Đây là lần đầu tiên Ukraine sử dụng loại tên lửa tầm xa do Mỹ viện trợ này trong chiến sự với Nga.
Giới chuyên gia nhận định những quả tên lửa ATACMS này đã được Ukraine sử dụng để tập kích sân bay gần thành phố Lugansk ở miền đông và Berdyansk ở miền nam, gần biển Azov. Quan chức do Moskva bổ nhiệm tại tỉnh Zaporizhzhia cũng thông báo phòng không Nga đã đánh chặn một tên lửa ATACMS nhằm vào Berdyansk, dường như xác nhận thông tin trên.
Mỹ và Ukraine không công bố số lượng tên lửa ATACMS được chuyển giao, cũng như đây là biến thể nào, ngoại trừ việc nó có tầm bắn 165 km. Truyền thông Mỹ dẫn lời hai quan chức giấu tên cho biết Washington đã cung cấp tổng cộng 20 quả tên lửa ACTAMS cho Ukraine.
Hình ảnh chụp sân bay ở thành phố Berdyansk sau cuộc tập kích cho thấy nhiều quả đạn con M74 chưa phát nổ trên mặt đất. Cùng với thông tin về tầm bắn 165 km, giới chuyên gia cho rằng đây là biến thể ATACMS cũ M39.
M39 là phiên bản sử dụng đạn chùm của tên lửa ATACMS, được sản xuất vào đầu những năm 1990. Nó có trọng lượng gần 2 tấn, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, đầu đạn chứa 950 quả đạn con M74, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính.
Tên lửa này có thể được khai hỏa từ nhiều bệ phóng như pháo phản lực HIMARS và MLRS M270 trong biên chế quân đội Ukraine. Khi kích nổ, tên lửa phát tán các quả đạn con trên diện tích gần 110 km2.
Dù không phải là biến thể ATACMS hiện đại nhất, M39 vẫn cho phép Ukraine tập kích mục tiêu xa gấp hai lần so với các loại rocket của pháo phản lực HIMARS và MLRS M270 mà Kiev được viện trợ.
Theo các quan chức cấp cao Ukraine, tên lửa ATACMS sẽ cho phép quân đội nước này phá vỡ tuyến tiếp tế, tập kích căn cứ không quân và mạng lưới đường sắt tại các khu vực Nga đang kiểm soát mà trước đây họ không thể đánh trúng.
Đại úy Volodymyr Omelyan, cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, nhận định đây là vũ khí có thể "thay đổi cục diện chiến trường" và cứu giúp nhiều sinh mạng binh lính Ukraine.
Theo Joseph Trevithick, chuyên gia quân sự của Drive, M39 là tên lửa đạn đạo, có thể phóng về mục tiêu với vận tốc nhanh và từ độ cao lớn. Cơ chế phát tán đạn con trên diện tích rộng khiến nó khó bị đánh chặn hơn so với các vũ khí dùng đầu đạn đơn nhất mà Ukraine thường dùng để tập kích hậu phương Nga, như tên lửa hành trình Storm Shadows/SCALPS, tên lửa diệt hạm Neptune và UAV tự sát.
Cũng nhờ đặc tính gây sát thương trên diện rộng, M39 là vũ khí thích hợp để tấn công các mục tiêu như sân bay. Trevithick cho rằng chỉ cần vài quả ACTAMS là đủ tiêu diệt tất cả máy bay đậu ngoài trời ở căn cứ, bởi khi một phi cơ mang theo bom đạn phát nổ, nó sẽ tạo ra vụ nổ liên hoàn, phá hủy mọi thứ xung quanh.
Trong loạt vụ tập kích vào sân bay Nga hôm 17/10, giới chức Ukraine tuyên bố phá hủy tổng cộng 9 trực thăng, một hệ thống phòng không và một kho chứa đạn. Tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga cho biết đây là một trong những "đòn đánh nghiêm trọng nhất" mà nước này hứng chịu từ đầu chiến sự, nhấn mạnh rằng Moskva chịu tổn thất "cả về con người và công nghệ".
"Phần lớn căn cứ Nga ở Ukraine đang bị đe dọa bởi một loại vũ khí hiệu quả cao, khó bị đánh chặn và có sức sát thương rộng", Trevithick nhận định, thêm rằng tên lửa M39 có thể được dùng để tấn công lực lượng Nga ở phía bắc bán đảo Crimea.
Fabian Hoffmann, nhà nghiên cứu tại Đại học Oslo, Na Uy, cho rằng mối đe dọa từ tên lửa ATACMS dùng đạn chùm sẽ khiến Nga phải phân tán khí tài, đưa máy bay, trực thăng ra xa tiền tuyến, nằm ngoài tầm bắn của tên lửa. Điều này làm giảm hiệu quả phòng không, gây thêm áp lực lên hệ thống hậu cần, cũng như ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của không quân Nga.
"Việc Nga phải rút các khí tài quan trọng về nơi an toàn sẽ hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của chúng. Điều này đặc biệt đúng với trực thăng, phương tiện có tầm hoạt động ngắn, và cả các hệ thống phòng không, vũ khí cần phải ở gần mục tiêu mới có thể phát huy hiệu quả", chuyên gia Trevithick cho biết.
Không quân Nga là một rào cản lớn đối với chiến dịch phản công đang diễn ra của Ukraine. Trực thăng và chiến đấu cơ Nga thường xuyên quần thảo trên chiến trường, khiến quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc tập trung lực lượng trên một hướng tấn công cụ thể. Việc Moskva đánh mất ưu thế trên không sẽ tạo điều kiện để Kiev đẩy nhanh đà tiến công trong thời gian tới.
Dù đem lại nhiều lợi thế trên chiến trường cho Ukraine, tên lửa M39 vẫn có một số điểm yếu. Theo RT, việc sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính khiến tên lửa M39 dễ gặp sai sót trong quá trình điều hướng, trong đó độ chính xác tỷ lệ nghịch với khoảng cách bắn. Nó cũng đòi hỏi quá trình điều chỉnh khá lâu trước khi phóng, gây ảnh hưởng tới tốc độ triển khai kế hoạch tập kích.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/10 thừa nhận tên lửa ATACMS Mỹ chuyển giao Ukraine là "mối đe dọa" đối với lực lượng Nga, song khẳng định quân đội nước này có thể tìm ra cách đối phó. "Nó sẽ không thể thay đổi tình trên trên tiền tuyến", Tổng thống Nga nhấn mạnh.