Vietnamville http://www.vietnamville.ca

Tiếng Việt khó học không những cho người ngoại quốc mà còn bất tiện cho người Việt nữa, cần sửa đổi gấp
13.08.2008

Người da trắng châu Úc cho là tiếng Việt thật khó học
Aug 12, 2008

Đối với cô Jane Gibian, một thi sĩ sinh quán ở Sydney và rất có cố gắng học nhiều ngoại ngữ, giờ đây tiếng Quãng Đông lại hấp dẫn hơn tiếng Việt.



Nhưng cô đã bỏ ra 10 năm để cố học tiếng Việt, vì cộng đồng người Việt ở Úùc đông đảo. Cô còn bay sang Hà Nội để cố hoàn thiện khả năng nói.

Nhưng cô than phiền là chỉ có đại học Úc mới có lớp tiếng Việt, nhưng lại thất thường và không có cấp chuyên sâu.

Gibian ý thức tiếng Việt quan trọng và thực sự yêu thích ngôn ngữ này. Nhưng trở ngại lớn là sau khi học xong một số lớp, Gibian không biết trình độ tiếng Việt của mình ở mức nào.

Khi cô kết bạn với người Việt ở
Sydney thì tiếng Anh của họ quá nhuyễn, khiến cô không sao tập luyện nói tiếng Việt.

Đã vậy so với các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha hay “siêu sao đang lên” là tiếng Quảng Đông, tiếng Việt không có ưu thế bằng.

Nhưng mặc dù cô định học tiếng Quãng Đông thật, Gibian nói cô sẽ không bỏ tiếng Việt. Rất ít có người da trắng nói được tiếng Việt khá, khiến loại như cô trở nên “hiếm quý”.

Gigian lại tìm hiểu giá trị tiếng Việt qua thi ca, vốn là chuyện thật khó cho người da trắng. Cô nói: ‘Từ ngữ Việt không phải lúc nào cũng thuần lý, nhưng nét thi vị của ngôn ngữ này thì thật nhiều .”(Cali Today News).

Hiện nay số người Việt sinh sóng tại nước ngoài có trên 3 triệu trên 100 quốc gia trên thế giới, với xu thế hoàn cầu hóa và WTO nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào VN, nhiều người ngoại quốc thích du lịch hoặc kết hôn với người VN, học hỏi văn hóa VN, do đó nhu cầu học tiếng Việt cho người ngoại quốc càng gia tăng đáng kể mỗi năm, quan trọng không kém nhu cầu người VN học tiếng Anh, tiếng Phap...

Nguyễn Văn Vĩnh có công đầu khai sáng việc dùng chữ quốc ngữ cho người Việt đầu thế kỷ 20, với câu nói nổi tiếng: Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ!

Nhưng cho đến nay thử hỏi chữ quốc ngữ có được gọi là "hay" chưa?  Suốt thế kỷ qua chữ quốc ngữ vẫn chẳng có bao nhiêu cải tiến so với tiến trình ngôn ngữ thế giới, nhiều cấu trúc bất hợp lý từ thời Alexandre De Rhodes vẫn còn tồn tại

Xin mời bạn đọc các bài dưới đây của Tân Văn

Cách mạng chũ Việt

Tử điển chính tả Tân Việt


Người Hàn Quốc 40 năm học tiếng Việt
22:31:58, 23/12/2007
Hà Ánh
Gs-Ts Cho Jae Hyun (trái) và tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng - giảng viên khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Hà Ánh

Không chỉ học tiếng Việt suốt 40 năm, giáo sư - tiến sĩ Cho Jae Hyun (Tào Tại Huyên) còn là một trong những người đầu tiên đặt viên gạch cho mối quan hệ Việt - Hàn.

Hết lòng với tiếng Việt

Năm 1967, tốt nghiệp phổ thông, Cho (tên gọi thân mật của giáo sư Cho Jae Hyun) theo học khoa Tiếng Việt trường ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc (HQ). Đó là năm đầu tiên chuyên ngành tiếng Việt được chính thức đưa vào giảng dạy trong một trường ĐH của HQ. "Chiến tranh ác liệt của Việt Nam (VN) bấy giờ rất thu hút sự quan tâm của nhiều người dân thế giới, trong đó có tôi. Một cách đơn giản, tôi đã nghĩ học tiếng Việt có thể giúp tôi tìm hiểu sâu rộng hơn về con người, đất nước đang là vấn đề của cả thế giới", giáo sư Cho kể lại sự lựa chọn của mình. 

Lớp tiếng Việt đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn 20 SV - thấp hơn nhiều so với hơn 400 SV hiện đang theo học chuyên ngành tiếng Việt tại các trường ĐH ở HQ. "Tiếng Việt là một ngoại ngữ không dễ học với những người mà tiếng mẹ đẻ không có thanh điệu, cộng thêm những hạn chế về điều kiện vật chất do chưa có từ điển, tài liệu, băng hình... nên càng khó khăn. Chúng tôi chỉ học tiếng Việt tại HQ và thông qua tiếng Anh. Những thanh điệu trong tiếng Việt cứ trầm bổng như lời bài hát nên mọi người gặp nhiều khó khăn khi phát âm. Riêng tôi, cũng may nhờ khiếu âm nhạc từ nhỏ nên nhanh chóng phát âm được cả 6 thanh. Vì vậy, trong lớp tôi là người thường xuyên được giáo viên mời lên phát âm mẫu cho các bạn trong lớp. Phát âm tuy khó nhưng nghĩa tự của tiếng Việt lại rất dễ nhớ", giáo sư Cho kể tiếp.

Tốt nghiệp ĐH, Cho được giữ lại trường và được bổ nhiệm làm giảng sư khoa Tiếng Việt trường ĐH Ngoại ngữ HQ. Chỉ 3 năm sau, ở tuổi 26, Cho đã trở thành giáo sư chính thức của trường.

Tuy không phải là người HQ đầu tiên học tiếng Việt, nhưng Cho lại là một trong số ít những người HQ đầu tiên tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tiếng Việt. Hơn 30 năm đứng lớp, ông đã dạy hơn 1.000 học trò. Không chỉ học tiếng Việt như một ngoại ngữ đơn thuần, Cho còn nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, đất nước và con người VN. Thế nên, Cho còn là giáo sư chuyên giảng dạy lịch sử, văn hóa Việt tại các trường ĐH tại HQ hiện nay.

40 năm học tiếng Việt, ông đã cho ra đời cuốn Từ điển Việt - Hàn đầu tiên. 11 năm trời ròng rã với quyết tâm "không để thế hệ sau phải dò dẫm như mình", cuốn từ điển 60.000 từ cuối cùng đã được xuất bản tại HQ năm 2000. "Từ ngữ trong tiếng Việt thể hiện sự phong phú của nền văn hóa truyền thống của người dân Việt, nhất là tên gọi của những món ăn, các loại trái cây. Vì vậy, để thể hiện một từ ngữ tương đương trong tiếng Hàn với những nhóm từ này là điều không dễ dàng", ông nhận xét. Giáo sư Cho Jae Hyun còn được biết đến với cương vị một soạn giả của nhiều tài liệu về tiếng Việt như: Giảng văn tiếng Việt cho người nước ngoài (sơ cấp, trung cấp và cao cấp), Thời sự Việt Nam, Lịch sử Việt Nam... Cùng với hàng loạt những công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học tại VN và HQ. Sự thuần thục tiếng Việt không kém tiếng mẹ đẻ, trở thành một giáo sư, nhà nghiên cứu, soạn giả, phiên dịch, nhà từ điển học về tiếng Việt... với ông đã bắt đầu từ cơ duyên với VN, sau đó là sự gắn bó hết lòng với VN.

"Nhà ngoại giao" thầm lặng

Dù dạy tiếng Việt từ năm 1971 nhưng giáo sư Cho chưa một lần sang VN cho đến năm 1989, với tư cách đại diện trường ĐH Ngoại ngữ HQ trong chuyến đi tiền trạm để ký kết hợp tác khoa học với ĐH Tổng hợp Hà Nội. "Đặt bước chân đầu tiên xuống VN tại sân bay Tân Sơn Nhất, rồi từ Sài Gòn đến Hà Nội, ở đâu tôi cũng được đón tiếp thân thiện. Chuyến đi đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, quan niệm của tôi về VN, và tôi nghĩ, sự hợp tác về khoa học giữa hai quốc gia là chưa đủ mà còn cần hơn nữa những quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội", giáo sư Cho kể lại cảm xúc của mình. 

Với tâm huyết đó, ông là một trong những người đã nỗ lực không ngừng để mở rộng mối quan hệ Việt - Hàn trong cương vị người vừa góp phần tổ chức, vừa là một phiên dịch viên. Năm 1990, tại ĐH Tổng hợp Hà Nội một cuộc hội thảo khoa học diễn ra đã đánh dấu cuộc gặp gỡ mở đầu cho sự hợp tác trong giới khoa học hai nước nói riêng, mối quan hệ ngoại giao hai nước nói chung. Mối quan hệ hai quốc gia tiếp tục nảy nở trên nhiều lĩnh vực khác bằng sự ra đời của Hội hữu nghị Hàn - Việt mà chính ông là Phó chủ tịch thường trực, đặc biệt là sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức của hai quốc gia vào năm 1992...  Giáo sư Cho từng là cầu nối cho nhiều cuộc gặp gỡ của các lãnh đạo cấp cao hai nước với vai trò là phiên dịch viên cho Tổng thống HQ.  

Mới đây gặp giáo sư Cho trong cương vị Trưởng đoàn HQ tham gia Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông chia sẻ cảm xúc: "Hiện HQ đang là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn tại VN, hơn 45.000 lượt người VN sang lao động tại HQ, hơn 15.000 cô dâu Việt có quan hệ hôn nhân với người HQ, hơn 1.500 SV VN đang theo học tại HQ, năm ngoái có gần 430.000 lượt người HQ đi du lịch qua VN... cho thấy mối quan hệ tốt đẹp hai bên. Truyền thống văn hóa của hai dân tộc lại có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là sự gần gũi và tình cảm, nên chắc chắn mối quan hệ hai dân tộc đã tốt đẹp sẽ ngày càng bền chặt. Với bản thân tôi, VN đã trở thành quê hương của mình từ lâu".

Xem VN như quê hương nên ông đã không thể nhớ nổi số lần ghé thăm VN. Cung đình Huế, thắng cảnh vịnh Hạ Long dù đã 11 lần ghé thăm... cũng chưa hề thỏa sự khát khao của ông. Kết thúc 1 tuần làm việc tại VN, ông đáp chuyến bay về HQ nhưng để lại lời hứa chân tình "sẽ trở về VN trong ngày gần đây". Ý nghĩa sâu xa trong cụm từ "trở về" của ông không chỉ là sự gắn bó như ruột thịt với VN mà còn là những nỗ lực tiếp theo cho mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Hàn.

Vài nét về giáo sư - tiến sĩ Cho Jae Hyun

- Sinh ngày 16.2.1947 tại Seoul.

- Chức vụ hiện nay: Giáo sư - tiến sĩ Việt Nam học, Giám đốc trường Cao học Khoa học khu vực và quốc tế của trường ĐH Ngoại ngữ HQ; Phó chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Hàn - Việt.

- Từng là một trong những cố vấn về chính sách đối với VN cho Tổng thống HQ, là người HQ đầu tiên phiên dịch tiếng Việt trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo VN - HQ sau khi hai nước có quan hệ ngoại giao chính thức; từng được Chính phủ VN trao tặng Huy chương Hữu nghị (2004), là Chủ tịch Hội các nhà khoa học VN học tại HQ (2003 - 2005)...

- Là tác giả của cuốn Từ điển Việt - Hàn đầu tiên và nhiều sách, luận văn khoa học khác...

Hà Ánh (TN)


URL của bản tin này::http://www.vietnamville.ca/article.1607

© Vietnamville contact: admin@vietnamville.ca