Người Việt Nam chúng ta khi nói về mẹ là nói đến tình thương vô bờ bến, nói về nghĩa cả thiêng liêng. Mà trong mỗi người làm con, ai cũng có tình yêu của mẹ. Nhưng với Trịnh Công Sơn thì anh nói về mẹ Việt Nam, mẹ của tất cả chúng ta. Mẹ là sông núi Việt Nam, mẹ là quê hương, là cội nguồn của một dân tộc.

Gia Tài Của Mẹ là một dãy núi hùng vĩ bao la trải dài từ Bắc chí Nam, Gia Tài Của Mẹ là nền Văn Hiến bốn ngàn năm lịch sử. Nước non còn đó, mà trong đó biết bao lớp máu xương đã đổ xuống để giữ lấy Gia Tài Của Mẹ.

Thời gian mà dân tộc ta chịu cái khổ của ngàn năm nô lệ người Tàu, trăm năm chịu ách thống trị của người Tây. Hàng hàng lớp lớp người đi không trở lại, những nổi đau thương than oán ngút trời, gia đình ly tán, ruột thịt cắt rời, những đổ nát của quê hương vì chiến tranh tàn phá kéo dài suốt một ngàn một trăm năm. Cảm nhận cái nổi đau của một người con dân nước Việt nên dòng nhạc của anh như một tiếng thở dài, cùng với những giọt nước mắt thương đau.

Dòng nhạc của anh – hay là lời của mẹ Việt Nam – cất lên giữa đêm tối âm u, gọi những đứa con quay về với mẹ, tìm lại chiếc nôi xưa bên mẹ với bàn tay ấm áp chung một mái nhà có mẹ có cha.

Bài Gia Tài Của Mẹ mà anh viết lên với nổi lòng thiết tha thương cảm, bởi chính anh là nhân chứng qua những cảnh thương tâm, vì cuộc chiến gây nên. Hát Trên Những Xác Người, anh bước chân đi trong vùng lửa đạn và anh đã thấy:

Người cha già ôm con lạnh giá
Một người mẹ ôm xác đứa con…

Có ai khi chứng kiến cảnh này mà không xót xa rơi lệ, khi anh đứng đây giữa lòng đất mẹ mà nhìn thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em. Hai mươi năm đạn bom đổ xuống mảnh đất nầy đã làm cho quê hương hoang tàn đổ nát, máu và nước mắt của dân mình đã chảy tràn trên ruộng lúa nương khoai. Những đau đớn xót xa dằn vặt trong anh mà anh không khóc, nhưng anh lại hát lên dòng nhạc của anh như tiếng hạc kêu sương, như nghẹn ngào thống thiết:

Người con gái chợt ôm tim mình
Trên da thơm vết máu loang dần
Ôi cái chết đau thương vô tình
Ôi đất nước u mê ngàn năm
Em đã đến quê hương một mình
Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm…

Anh đi tìm lại tình yêu thương của những người con chung cùng một mẹ; cái sự thật chân chính của cuộc đời; những con tim đồng cảm… để cùng nhau hàn gắn những đổ nát điêu tàn trong cái Gia Tài Của Mẹ để lại cho con. Và anh kêu gọi:

Ta cùng lên đường! Đi xây lại Việt Nam
Bàn chân ta đi mau, đi sâu vô tới rừng cao
Vác những cây rừng to, về nơi đây, ta xây làm nhà
Dựng nhà mới trên đổ nát nầy, dựng đời mới trong nụ cười…

Nhưng rồi nổi lòng thao thức của anh, hoài bảo của anh đã bị làn đạn tiếng bom xé nát từng giờ. Anh đành ký thác tâm tư của mình qua những nốt nhạc thăng trầm theo âm tiết tuyệt diệu của người lãng tử du ca. Gia Tài Của Mẹ còn đó: Vẫn núi sông, những cánh đồng xanh, những bờ cát trắng, những xóm thôn, những lũy tre, những con người đang sống trên hoang tàn đổ nát.

Gia tài của mẹ ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ nhà cháy từng hàng…

Những ruộng đồng đã cho hạt lúa thơm, đã bao đời nuôi dân ta sống; nay thì khô khan, nứt nẻ bởi vì đâu? Anh tự hỏi chính mình hay hỏi những lớp người ở thế kỷ hai mươi? Nhà cửa những đứa con của mẹ đã bị lửa hận thù thiêu đốt thành tro, Gia Tài Của Mẹ để rồi như thế đó. Bởi do đâu mà Gia Tài Của Mẹ một rừng xương khô, Gia Tài Của Mẹ một núi đầy mồ? Rồi anh tự trả lời:

Gia Tài Của Mẹ một bọn lai căng
Gia Tài Của Mẹ một lũ bội tình…

Bởi chính anh là nhân chứng thật sự của một thời đại, những con người đang sống trong lòng đất Việt mà dòng máu trong họ đã lai căng và trái tim vô cảm nên họ không biết mẹ là ai. Sự giết chóc, tàn phá của bọn lai căng chỉ dựa trên sức mạnh của quyền lực, lòng tham, vì danh, vì lợi nên đánh mất lương tri, không nhớ cội nguồn. Họ dửng dưng vô cảm trước cái chết của anh em ruột thịt. Hận thù, bạo động đã làm cho đất thảm trời sầu, bởi vì đâu?

Bởi tình yêu dân tộc mất từ lâu
Vì tham ác thấp hèn lòng nông nổi…

Vì dòng máu lai căng thì đâu còn nghỉ đến cảnh cốt nhục tương tàn. Vì dòng máu lai căng thì đâu cảm được cảnh giống nòi thống khổ, nên chi cái nổi điêu tàn cứ mãi diễn ra; và anh đã thấy rõ được cái tư tưởng, khối óc của lũ bội tình. Tình ruột thịt anh em, tình giống nòi nhơn loại, tình quê hương… họ quên đi tất cả; quên cả nghĩa Đồng Bào họ là kẻ vong ân.

Gia Tài Của Mẹ để lại tự ngàn xưa để rồi biến thành những trò chơi không hơn chi cỏ rác. Thế rồi dòng nhạc của anh quay về núp dưới bao la tình mẹ, để nghe lại tiếng nói ngọt ngào hiền dịu của người mẹ Việt Nam:

Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Nước Việt xưa…

Ôi! Thật là thiết tha nồng ấm cái tiếng nói thật thà với lòng trân quý sự sống. Lời ca dao mẹ ru tự ngàn xưa vẫn còn vang vọng mãi:

Con ơi con ngủ cho rồi
Nước non ai gánh , mẹ ngồi ru con
Con ơi hãy ngủ cho ngon
Cha con lo việc nước non chưa về…

Hay là:

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào chúng ta
Cùng nhau chung một màu da
Một dòng máu đỏ con nhà Lạc Long
Chúng ta dòng máu Tiên – Rồng
Đừng quên rằng Bắc Nam Trung một nhà…

Lời mẹ dạy bên chiếc nôi xưa ngày con còn bé, đã thấm vào hồn, vào máu thịt của anh, cho nên mỗi nốt nhạc lời ca của anh đã chuyển tải nổi lòng người mẹ. Cái tâm tư ấy như là hơi thở của anh, nó luôn hiện hữu từng phút giây nên anh đã cất lên lời ca cùng sông núi. Dạy cho con tiếng nói thật thà, tiếng nói từ trái tim người mẹ, cái nổi đau quằn quại khi nhìn lại cái Gia Tài Của Mẹ đã để lại cho con, những những đứa con không đem tâm hồn và sức lực mà gìn giữ lấy, ngược lại còn dang đôi tay thô bạo nên oán nên thù. Nổi buồn đau của mẹ đã xuyên suốt lời ca:

Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con, lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha, quên hận thù…

Từ trên đỉnh cao thiêng liêng của tấm lòng người mẹ, nhìn thấy đàn con lạc hướng chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà. Lời ca và cũng chính là lời của mẹ:

Lòng mẹ rộng hơn muôn ngàn biển cả
Lòng mẹ cao hơn muôn ngàn sao trời
Con yêu ơi! Mau về đây với mẹ
Quên hận thù quay về lại con ơi!
Mẹ mong con mau bước về nhà…

Nhà của mẹ là cội nguồn dân tộc, nhà của mẹ là non nước Việt Nam và nơi đó hội tụ hồn thiêng của tổ tiên nòi giống, con đã bỏ đi hoang chưa tĩnh thức quay về. Đã hơn hai mươi thế kỷ, mẹ ngồi khóc bên dòng sông chia cắt, nổi đau nào hơn nổi đau của người mẹ mất con. Mẹ đã để lại cho đàn con cái gia tài mà tổ tiên hơn bốn ngàn năm dựng xây và gìn giữ; đâu lẽ nào tình ruột thịt anh em đã hóa hận thù mà hủy hoại hay sao?

Bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn tuy không dài, nhưng anh đã nêu lên một chuỗi dài lịch sử một ngàn một trăm hai mươi năm, cái nổi đau đớn thống khổ của cả dân tộc và non nước Việt Nam nầy.

Cảm ơn chị Khánh Ly đã đưa hồn ca khúc đến với mỗi con tim đồng cảm và vượt khỏi cái thời gian hữu hạn, bay đến cõi vô cùng mãi mãi ấm lời ca.

PHAN HỒNG LIÊN