Giữa bác sĩ và bệnh nhân cần có sự thông hiểu thì việc điều trị mới hiệu quả - Ảnh: N.C.T. |
Giải thích bệnh
Dù không có ý “vơ đũa cả nắm” song dường như bác sĩ ở ta hiện nay thường kiệm lời giải thích bệnh. Lý do có thể là thời gian eo hẹp, thời điểm không thích hợp hoặc đôi khi đơn giản là bác sĩ lỡ... quên bài. Dù sao đi nữa, một lần thử làm bệnh nhân hoặc thân nhân sẽ giúp bác sĩ hiểu được cảm giác khát khao được giải thích bệnh tình một cách cặn kẽ, và nếu “ngon” hơn nữa là hỏi ý xem có... thích kết quả điều trị hay không.
Về phía thầy thuốc, có lẽ một số “quên” rằng sự thông hiểu bệnh tình của chính mình sẽ giúp bệnh nhân cải thiện sự tuân thủ điều trị và đưa đến thành công. Cách đây không lâu, tôi được điều dưỡng báo tin một nữ bệnh nhân mới nhập viện vì viêm dạ dày cấp... chê loại thuốc tôi vừa kê và xin đổi qua thuốc khác. Tôi qua phòng bệnh, định mắng vì cái “tội quá đáng”. Nhưng tôi cố nén cơn bực và nhẹ nhàng hỏi lý do.
Bệnh nhân thật ra cũng khá ngại ngùng, giải thích rằng bà hay lên cơn đau dạ dày mà mấy lần trước nhập viện đều được cho hai loại thuốc mà tôi vừa kê nhưng bệnh không thuyên giảm nên lần này đánh bạo... xin đổi thuốc. Suy xét lại chẩn đoán thì thấy không có gì sai, chợt có một suy nghĩ thoáng qua đầu, tôi bèn hỏi bà bệnh nhân có biết... cách uống thuốc không thì thật bất ngờ, bà nói chỉ được phát thuốc chứ có bao giờ “nghe nói gì đâu”!
Tôi bèn giải thích thuốc viên phải uống trước ăn, còn thuốc dạng sữa uống khi bụng trống, và nhất là phải tránh ăn chua cay trong lúc này. Thật bất ngờ, sáng hôm sau khi đi thăm bệnh, bệnh nhân cười tươi như hoa nói rằng cơn đau dạ dày đã thuyên giảm nhiều, trong khi những lần trước cũng đau và uống thuốc y như thế lại không thấy cải thiện gì!
Kỹ năng giải thích thật ra cũng phải được rèn luyện. Có lần tôi chứng kiến một em đồng nghiệp đã làm bệnh nhân hoang mang và người nhà nổi nóng vì lời giải thích của mình. Số là xét nghiệm thử HIV chỉ được làm khi bệnh nhân đồng ý. Nên sau khi nghe bác sĩ trẻ lý giải, bệnh nhân “mắt tròn mắt dẹt” và cứ luôn miệng khẳng định “em có làm gì đâu mà bác thử HIV cho em”. Còn người nhà nổi xung vì cho rằng bác sĩ “nghi ngờ đạo đức” của cô bệnh nhân.
Để tránh căng thẳng không đáng, tôi đành phải chen vào rằng xét nghiệm này nhằm giúp tránh lây nhiễm trong quá trình điều trị, rằng bản thân bệnh nhân cũng đâu muốn bị lây bệnh trong khi điều trị nên vì thế không chỉ bệnh nhân mà tất cả những ai chạy thận đều cũng phải làm. Khi đó, nét mặt mọi người mới dãn ra và công việc tiếp tục trôi chảy.
Nôn nóng
Một trong những điều khá “ám ảnh” thầy thuốc chính là sự nôn nóng quá mức của bệnh nhân và thân nhân dù sự nôn nóng này là hiểu được, nhưng đôi khi cũng làm hai bên dở khóc dở cười. Một tình huống hay gặp trên lâm sàng là bệnh nhân vừa nhập viện, mới làm xét nghiệm được một ngày, thậm chí vài giờ sau, là đã hỏi “tôi bị bệnh gì?”, hoặc “sao trị hoài không thấy hết?”... Lúc đó bác sĩ cũng “gãi đầu gãi tai” kêu bệnh nhân ráng chờ.
Tuy nhiên trong những bệnh khó hoặc bệnh mãn tính, xét nghiệm và điều trị có thể khá phức tạp và kéo dài nên những bệnh nhân như vậy thường làm bác sĩ phải giải thích nhiều lần mà chưa chắc đã xong. Tôi không quên một bà cụ nọ nhập viện vì cao huyết áp vừa mới phát hiện, huyết áp tâm thu lúc nhập viện lên đến 220 mmHg.
Theo nguyên tắc điều trị, việc hạ áp phải diễn ra từ từ vì nếu cho hạ áp quá nhanh, bệnh nhân không dung nạp được sẽ dẫn đến chóng mặt, choáng váng. Vậy mà sáng nào người nhà cũng chất vấn chuyện huyết áp chưa về bình thường. Mặc dù đã được giải thích nhiều lần nhưng người nhà tỏ ý không tin, rồi... xin xuất viện để qua bệnh viện khác điều trị vì nghi... bác sĩ này dở quá (!).
Mắc bệnh vẫn vui Một bệnh nhân khá trẻ chụp X-quang phát hiện một hình ảnh u tròn ở phổi. Chẩn đoán ban đầu là ung thư phổi khiến cả gia đình gần như suy sụp. Tuy nhiên, cái ngày đáng nhớ đó đã xảy ra khi bác sĩ ôm kết quả sinh thiết khối u đến báo cho người nhà kết quả là một khối u lao, mà bệnh lao có thể trị được, đương nhiên tốt hơn ung thư phổi nhiều. Cả thầy thuốc lẫn gia đình đều mừng “rớt nước mắt”. Chẳng phải là biết mắc bệnh mà còn mừng đó sao. |