Chủ tiệm nail gốc Hoa hành hạ nhân viên VN bị tuyên án 15 năm tù
18.06.2022 09:52
Thẩm phán Kenneth D. Bell đã tuyên phạt nghi can Thuy Tien Luong, 38 tuổi, ở Charlotte, North Carolina, 15 năm tù và yêu cầu cô phải trả 75.000 USD tiền bồi thường cho nạn nhân. Một bồi thẩm đoàn liên bang trước đây đã kết tội Thuy Tien Luong lao động quá sức vào ngày 8 tháng 1 năm 2021, sau một phiên tòa kéo dài 5 ngày.
Theo các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa, chủ tiệm làm móng ép buộc nữ nhân viên phải làm theo ca kéo dài 10 giờ đồng hồ, xuyên suốt giai đoạn tháng 10/2016 đến tháng 6/2018, mà không có ngày nghỉ. Để khống chế nạn nhân, Luong thường xuyên hăm dọa và tấn công thể xác đối với nạn nhân. Người phụ nữ có hành vi bạo lực như “giật tóc, đâm bằng dụng cụ làm móng, hay đổ hóa chất tẩy móng lên đầu nạn nhân” Luong cũng đe dọa “hủy hoại thanh danh của nạn nhân bằng cách tiết lộ những thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa nạn nhân và gia đình”. Chủ tiệm làm móng cũng nói nạn nhân gây thiệt hại 180.000 USD, đồng thời đe dọa “cho nạn nhân vào tù” nếu người này không trả hết khoản tiền nêu trên. “Toàn bộ kế hoạch hăm dọa khiến nạn nhân sợ hãi và tiếp tục làm việc cho Luong. Mãi tới khi một vụ tấn công vô cùng bạo lực xảy ra, nạn nhân mới quyết định trình báo tới Sở Cảnh sát Davidson. Luong sau đó bị bắt vào tháng 6/2018”, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết “Nghi can này đã sử dụng cưỡng bức tâm lý, nợ nần và bạo lực để trù dập nhân viên của cô ấy, khai thác các điểm yếu của cô ấy và buộc cô ấy làm việc nhiều giờ với nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng. Không có chỗ cho những hành vi tàn ác như vậy trong xã hội của chúng ta”, Bộ Tư pháp cho biết “Hành vi phạm tội nghiêm trọng của Lương là một hình thức buôn người không chỉ bóc lột lao động mà còn khiến nạn nhân bị tổn hại khôn lường, bao gồm cả hành hạ thể xác và tinh thần”, Đặc vụ Ronnie Martinez, người giám sát Điều tra An ninh Nội địa, cho biết ( HSI) hoạt động ở Bắc Carolina và Nam Carolina. “Rất may, HSI và các đối tác thực thi pháp luật đã chấm dứt hành vi của Lương và cô ấy đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng thích đáng. Truy đuổi những kẻ buôn người và bảo vệ nạn nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu của HSI ”. TH, Calitoday
Nhức nhối người Tàu lừa bán lao động VN qua Campuchia, chính quyền CSVN nhắm mắt làm ngơ trục lợi
Gần đây, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa bán qua Campuchia lao động và chưa biết ngày về; thậm chí nhiều trường hợp người thân phải bỏ cả trăm triệu đồng để chuộc nạn nhân về nước... PV Thanh Niên đã vào cuộc tìm hiểu.
Lời kêu cứu từ Campuchia
Giữa tháng 6, Báo Thanh Niên liên tục nhận được các cuộc gọi cầu cứu của V.A.Tủa (15 tuổi, quê ở xã Mường Cang, H.Than Uyên, Lai Châu) vào những lúc rạng sáng. Qua điện thoại, Tủa cho biết cuối tháng 2.2022, Tủa được một người phụ nữ lạ nhắn tin, gọi điện qua mạng xã hội Facebook rủ vào TP.HCM làm việc văn phòng, chỉ cần biết gõ máy tính với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Theo chỉ dẫn của người phụ nữ, Tủa khăn gói vào TP.HCM. Tuy nhiên, vừa vào đến TP.HCM thì có người lái ô tô chờ sẵn, đưa Tủa cùng người bạn của mình lên thẳng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tủa có chút nghi ngờ, nhiều lần định nhảy khỏi xe nhưng do xe đi xuyên suốt với tốc độ cao và trên xe có nhiều người lạ nên không dám hành động.
Ông Nguyễn Văn Hương đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa con gái về nhà
MẠNG XÃ HỘI
“Hơn 19 giờ tối thì tụi em được đưa đến trước một khu ruộng bậc thang, từ đây phải đi bộ qua một cánh đồng trồng rất nhiều dưa hấu, sau đó đến một con sông, có thuyền đậu sẵn đón nhóm người vượt biên trái phép qua Campuchia, quá trình vượt biên chỉ mất khoảng 10 phút”, Tủa nhớ lại. Sau đó, Tủa cùng nhóm lao động đi bộ khoảng 30 phút để ra tới đường quốc lộ, rồi được đưa vào khu sòng bài của người Trung Quốc gần Mộc Bài.
Tủa cho hay tất cả quản lý tại nơi làm việc đều là người Trung Quốc, chỉ có phiên dịch là người VN. “Họ yêu cầu em ký giấy nợ, kèm với đó là những điều khoản tiền phạt với giá hàng nghìn USD. Nếu ai từ chối ký sẽ bị đe dọa và yêu cầu gia đình mang tiền sang chuộc”, Tủa kể.
Tiếp đó, Tủa cùng nhiều người khác được đưa lên phòng máy tính để học cách lừa đảo qua mạng xã hội, lôi kéo đầu tư tiền ảo, đánh bạc cá độ, dụ thêm nạn nhân từ VN qua làm… Mỗi người được giao chỉ tiêu về số lượng do nhóm này tự đặt ra, nếu không đạt sẽ bị phạt vài nghìn USD mỗi ngày. Đó cũng là lý do Tủa đã làm hơn 3 tháng nhưng số tiền nợ công ty ngày càng lớn.
“Mỗi ngày em làm khoảng 20 tiếng, không có ngày nghỉ, làm hơn 3 tháng không được trả đồng bạc nào hết! Mệt lắm, nhưng phải làm các anh ạ, không làm tụi nó đánh, chích điện chết. Em thì chưa bị nhưng mấy người khác bị nó lôi đi chích điện rồi dẫn bán đi chỗ khác, giờ chả biết đang ở đâu; có trường hợp bị chích điện nằm la liệt dưới sàn, mặt sưng hết lên”, Tủa lạnh xương sống.
Hình ảnh của nạn nhân T.Đ.T (18 tuổi, quê Yên Bái)
GIA ĐÌNH NẠN NHÂN CUNG CẤP
“Em muốn trở về cuộc sống tự do nên gọi điện cho bố mẹ nói về số tiền chuộc khoảng 2.500 USD (hơn 58 triệu đồng). Bố mẹ nói nhà mình nghèo khổ, người ta ăn 3 bữa mình chỉ ăn 1 bữa, lấy tiền đâu mà chuộc em về…”, Tủa nói như tuyệt vọng.
Nửa đêm 17.6, anh Triệu Tài Hương (38 tuổi, H.Lục Yên, Yên Bái) gọi điện cầu cứu đến Báo Thanh Niên: “Con tôi bị lừa bán sang Campuchia rồi. Tụi tôi là dân nông thôn nên có biết gì đâu, suốt ngày chỉ lo việc nương rẫy, làm thuê làm mướn kiếm sống nên không có tiền mà chuộc con ra. Rất mong Thanh Niên vào cuộc phản ánh giúp gia đình…”.
Anh Hương kể con trai anh tên T.Đ.T (18 tuổi), mấy tháng trước xuống tỉnh Bắc Ninh làm thuê kiếm tiền gửi về cho bố mẹ, nào ngờ sau đó T. bị người ta lừa, rủ vào TP.HCM làm việc văn phòng, lương 20 triệu đồng/tháng nhưng lại chở tới Mộc Bài, rồi bán T. sang Campuchia. “Con tôi gọi điện về nói mỗi ngày phải làm việc hơn 15 tiếng đồng hồ. Công việc là nhắn tin, mời chào người nước ngoài chơi tiền ảo, sau đó sẽ tìm cách chiếm đoạt tài sản. Nếu ai không làm được việc sẽ bị đánh, chích roi điện… quá khủng khiếp!”, anh Hương nói.
“Con tôi nói giá chuộc cháu hiện khoảng 50 triệu đồng. Nhưng giờ có bán căn nhà gia đình đang ở cũng chỉ được hơn 20 triệu đồng thôi, tiền đâu mà vợ chồng tôi cứu con đây… Ngày nào 2 vợ chồng tôi cũng khóc vì lo cho số phận con. Giờ có kêu trời, trời cũng không thấu”, anh Hương nghẹn ngào rồi bày tỏ rất mong được Báo Thanh Niên phản ánh, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để giải cứu con trai anh.
Sập bẫy lừa việc nhẹ lương cao
Những ngày này, gia đình chị N.T.L (trú tại TT.Kon Dơng, H.Mang Yang, Gia Lai) như ngồi trên lửa khi đứa con trai N.V.T (15 tuổi) rơi vào bẫy lừa, đang lưu lạc tận Campuchia. Chị L. kể: “Vừa rồi T. đọc thông tin trên mạng xã hội về cơ hội việc làm, lương tháng cả vài chục triệu đồng. Cháu đã theo chỉ dẫn, đi xe khách vào TP.HCM sau đó được một nhóm người đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch ở biên giới Tây Nam.
Cũng theo chị L, giữa tháng 4.2022, T. gọi điện, nhắn tin qua Zalo kể rằng bị một số người ép T. thông qua mạng xã hội dụ dỗ người Việt sang Campuchia làm việc. Nếu thành công, cứ mỗi người qua, T. được trả hoa hồng 30 triệu đồng. Chỉ sau đó hơn một tuần, cháu lại nhắn về nói muốn về nhà vì ở bên đó rất nguy hiểm; yêu cầu gia đình gửi 150 triệu đồng vào một số tài khoản ngân hàng ở VN có tên Quách Thanh Tùng. “Gia đình khó khăn nên không thể kiếm đâu ra khoản tiền lớn thế này. Thế là sau đó, con tôi nhắn qua Zalo là bị bên kia đánh đập, bỏ đói”, chị L. nghẹn ngào.
Ngoài em N.V.T, tại Gia Lai còn có anh P.P.T (23 tuổi, trú tại xã Ia Băng, H.Chư Prông) bị lừa sang TP.Sihanoukville (Campuchia) làm trong công ty lừa đảo do người Trung Quốc điều hành. Do không hoàn thành chỉ tiêu về số tiền lừa đảo nên anh T. bị các đối tượng phạt và yêu cầu liên hệ về gia đình để chuyển khoản, nộp số tiền 150 triệu đồng mới thả người về VN. Gia đình anh T. đã phải vay mượn, chuyển đủ 150 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp, sau đó được các đối tượng thả cho về VN.
Trong khi đó, tại Phú Yên, ngày 17.6, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết chính quyền và Công an thị xã phối hợp với công an các địa phương vẫn đang tích cực tìm kiếm em N.T.T.Ngọc (16 tuổi, ở thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, TX.Sông Cầu), người đã bị rủ rê qua Campuchia làm việc.
Theo ông Nguyễn Văn Hương (53 tuổi, cha của em Ngọc), những ngày qua con gái ông vẫn gọi điện về cho gia đình nhưng không rõ nơi nào ở Campuchia. Trước đó, Ngọc có quen biết với một người bạn qua Zalo và được người này hứa giúp giới thiệu việc làm, khi Ngọc vào TP.HCM sẽ đón.
Chiều 5.6, theo lời hẹn, Ngọc đón xe khách từ TX.Sông Cầu vào TP.HCM. Ngọc đến bến xe 537 Phạm Văn Đồng, P.13, Q.Bình Thạnh sáng 6.6 và có gọi điện Zalo về cho gia đình báo đã đến TP.HCM và được bạn đón. Nhưng đến chiều cùng ngày thì gia đình không liên lạc được với Ngọc. Sợ có chuyện chẳng lành đến con gái của mình nên ông Hương nhờ công an giúp đỡ. Công an xã đã hướng dẫn gia đình vào TP.HCM báo cáo sự việc cho Công an TP.HCM, Công an Q.Bình Thạnh và Công an P.13.
Đến ngày 13.6, Ngọc đã liên hệ với người nhà qua Facebook chị ruột là N.T.V. Ngọc cho hay hiện ở Campuchia và có công việc ổn định, nhưng không nói rõ công việc gì, đồng thời yêu cầu gia đình gỡ bỏ các tin bài đã đăng trên các kênh thông tin truyền thông về việc tìm mình mấy ngày qua.
Cũng theo ông Hương, đến ngày 15.6, người quản lý của em Ngọc hứa sẽ cho em Ngọc về lại với gia đình nhưng sau đó lại đưa đến địa điểm khác nhưng chưa rõ ở đâu khiến gia đình ông rất lo lắng. (còn tiếp)
Lừa qua Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao' để chiếm đoạt tiền
Thông qua các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, những kẻ lừa đảo đã đăng thông báo tuyển dụng với công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn.
Ngày 14.6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai, cảnh báo: Thông qua các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, những kẻ lừa đảo đã đăng thông báo tuyển dụng với công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn. Một số người đã tin theo, đồng ý đi làm việc tại Campuchia và được các đối tượng hướng dẫn đường đi, đưa đến các công ty do người Trung Quốc làm chủ.
Tại đây, một số người VN câu kết với một số người Trung Quốc giao công việc và hướng dẫn nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người VN, người Trung Quốc và người dân các nước khác.
Các đối tượng trên ép nạn nhân thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt với mức từ 1.000 USD/tháng. Nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống. Đa số các nạn nhân bị lôi kéo sang Campuchia làm công việc trên đều không hoàn thành chỉ tiêu. Khi nạn nhân muốn trở về VN, các đối tượng yêu cầu liên hệ với gia đình và đóng tiền bồi thường hợp đồng cộng số tiền bị phạt vì không hoàn thành chỉ tiêu lừa đảo.
Tại Gia Lai đã ghi nhận một số trường hợp như P.P.T (23 tuổi, trú xã Ia Băng, H.Chư Prông) bị lừa sang TP.Sihanoukville (Campuchia) làm trong công ty lừa đảo do người Trung Quốc điều hành. Do không hoàn thành chỉ tiêu nên T. bị phạt và yêu cầu liên hệ về gia đình để chuyển khoản nộp 150 triệu đồng mới thả người về VN. Gia đình T. đã phải vay mượn, chuyển đủ 150 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp, sau đó T. được thả cho về VN. Tương tự, em Đ.V.T (15 tuổi, trú tại TT.Kon Dơng, H.Mang Yang) cũng bị lừa sang TP.Sihanoukville làm việc, bị các đối tượng yêu cầu gia đình nộp 130 triệu đồng mới cho về nước.
Vì sao xuất hiện nhiều tội phạm người Trung Quốc tại Việt Nam không dám phạt?
Gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp triệt phá các nhóm đối tượng người Trung Quốc có hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Luật sư đưa ra quan điểm ở góc độ pháp lý về vấn đề này.
Như Dân Việt thông tin, Công an TP Đà Nẵng vừa bắt khẩn cấp 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam để điều tra hành vi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Nhóm đối tượng lên mạng xã hội tìm kiếm các cô gái trẻ, dụ dỗ quay clip sex trả công cao, nếu quay cảnh sexy không giao cấu được trả 700.000 đồng/6 giờ, có quan hệ tình dục được trả 1 triệu đồng/6 giờ.
Nhóm đối tượng đã thuê căn nhà 4 tầng trên đường Lê Minh Trung, quận Sơn Trà từ tháng 2/2019 để ở thực hiện quay trực tiếp các video kích dục, clip sexy… Người xem các clip, hình ảnh này phải trả phí.
Ngày 6/8, Bộ Công an phối hợp với lực lượng chức năng đã đột kích vào khu nhà xưởng của Công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên ở thị trấn Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Tại đây, nhà chức trách phát hiện 7 người Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy.
Qua khám xét, công an thu giữ hàng trăm lít dung dịch ma túy tổng hợp, 13 tấn hóa chất, tiền chất dùng để sản xuất ma túy cùng nhiều máy móc, phương tiện liên quan.
Trước đó, ngày 27/7, qua kiểm tra hành chính đã phát hiện rất nhiều người Trung Quốc đang vận hành hệ thống đánh bạc quốc tế tại khu đô thị Our City, tại Km 6, đường Phạm Văn Đồng, phường Hải Thành, quận Dương Kinh.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người Trung Quốc vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam khiến dư luận không khỏi lo lắng. Đây là tình trạng đáng báo động”.
Theo luật sư, có nhiều nguyên nhân khiến người nước ngoài nói chung và các đối tượng người Trung Quốc nói riêng vi phạm pháp luật hình sự ở Việt Nam.
Thứ nhất, với bối cảnh hợp tác, giao lưu kinh tế quốc tế, phát triển du lịch, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, du lịch ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, có những người nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đầu tư hoặc du lịch nhưng trong quá trình sinh sống, làm việc tại Việt Nam phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ 2, việc quản lý người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay chưa tốt. Điều này dẫn đến hàng trăm người Trung Quốc ăn ở, sinh sống bất hợp pháp (như vụ việc ở Hải Phòng) mà không phát hiện kịp thời dẫn đến các đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài mà không ai phát hiện, xử lý.
Thứ 3, sự khác nhau và chênh lệch về trình độ trong việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Nhiều đối tượng lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về máy móc, cơ sở vật chất kỹ thuật để xâm nhập vào Việt Nam, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh việc phát hiện, trừng phạt của pháp luật nước họ.
Thứ 4, đối tượng lợi dụng vào các chính sách hợp tác, hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập để xâm nhập vào Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với hi vọng nếu phạm tội thì vẫn sẽ được hưởng những đặc ân, những hình phạt ít tính chất nghiêm khắc như trục xuất… những chính sách đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam.
Thứ 5, mỗi quốc gia có những chính sách hình sự khác nhau, có những tư tưởng quan điểm về đấu tranh phòng và chống tội phạm khác nhau đối với từng loại tội phạm, nhóm tội phạm. Bởi vậy, có thể một số loại tội phạm ở Việt Nam có mức chế tài thấp hơn hoặc khó phát hiện, khó xử lý hơn, dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội hơn dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng sự khác nhau này để xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, thực hiện hành vi phạm tội ở Việt Nam.
Thứ 6, thời gian gần đây liên tục bắt được những vụ sản xuất, vận chuyển ma tuý trái phép với số lượng đặc biệt lớn cho thấy ngoài việc quản lý về cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam chưa tốt, hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, hải quan vẫn còn nhiều sơ hở. Điều này khiến đối tượng người nước ngoài có thể dễ dàng xâm nhập, vận chuyển trái phép chất ma túy và các loại hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam…
Nói về hình thức xử lý đối với tội phạm là người nước ngoài luật sư cho hay: “Pháp luật Việt Nam quy định áp dụng chung đối với tất cả những người thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định luật hình sự Việt Nam thì người nước ngoài phạm tội trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và vi phạm pháp luật Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền để xét xử”.
Theo luật sư Cường, nếu người nước ngoài hay người Trung Quốc thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam, ngoài các chế tài có thể áp dụng như chế tài đối với công dân Việt Nam (tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn, cải tạo không gian giữ, phạt tiền….) còn có thể áp dụng chế tài khác là trục xuất khỏi lãnh thổ.
Bên cạnh đó, đối với các quốc gia Việt Nam đã ký hiệp ước, hiệp định về tương trợ tư pháp có nội dung về dẫn độ tội phạm thì thực hiện theo nội dung của hiệp ước đó. Trong trường hợp chưa có hiệp ước dẫn độ hoặc hiệp ước dẫn độ chưa có hiệu lực thì thực hiện trên cơ sở quan hệ ngoại giao có đi có lại, theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nguồn. Dân Việt
Trao trả 7 đối tượng người Trung Quốc phạm tội tại Lào Cai sau khi CSVN chính thức xin lỗi họ
Ngày 26/10, Phòng Quản lý Xuất nhập Cảnh cùng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Lào Cai) phối hợp với Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tổ chức trao trả 7 đối tượng người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam cho Cục Công an Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ nhiều thiết bị máy tính, thiết bị phát Wifi, máy điện thoại dùng để phục vụ việc đánh bạc qua mạng. Theo lời khai của nhóm người Trung Quốc, trong khoảng một tháng, bảy đối tượng đã giao dịch lượng tiền ảo lên đến 2.000 vạn nhân dân tệ (tương đương 70 tỷ đồng Việt Nam).
Công an tỉnh Lào Cai đã lập biên bản, lấy lời khai các đối tượng, xác minh thu thập chứng cứ và hoàn thiện hồ sơ bàn giao 7 đối tượng cùng toàn bộ tang vật cho Cục Công an Hà Khẩu (Trung Quốc) để tiếp tục điều tra, xử lý.
Trước đó, bằng công tác nghiệp vụ cơ bản và công tác trinh sát, ngày 21/10, Phòng Quản lý Xuất nhập Cảnh phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra bắt giữ 7 đối tượng người Trung Quốc, gồm: Trịnh Tùng Xuyên (sinh năm 1983); Châu Tây Bằng (sinh năm 1991); Vương Hải Linh (sinh năm 1986); Vương Tiến (sinh năm 1991); Dương Long (sinh năm 1980); Liêu Ngọc Bảo (sinh năm 1979) và Điền Trân Ý (sinh năm 1989) đã nhập cảnh vào Việt Nam và thuê nhà tại số 611B đường Lê Thanh (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) để tổ chức đánh cờ bạc qua mạng bằng phần mềm Liao Bei của Trung Quốc.
Ngày 18/10, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Hà Nội cho biết đã kiểm tra, phát hiện một nhóm người Trung Quốc có biểu hiện bất thường, tá túc tại hai căn hộ ở tòa chung cư cao cấp trên địa bàn phường Mai Động, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Tại CSVN quá khiếp sợ TQ nên người Trung Quốc tha hồ phạm tội ở VN không bị xét xử tại VN
RFA
Công dân Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam bị bắt, ảnh minh họa.
Courtesy VNN
Sao người Trung Quốc phạm tội ở VN không bị xét xử tại VN?
00:00/10:32
Gần đây, ngày càng nhiều vụ người Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Việt Nam bị phát hiện. Tuy nhiên, lại ít khi thấy cơ quan chức năng Việt Nam đưa những trường hợp vi phạm ra xét xử. Sự việc gần đây nhất là Việt Nam đã phải trục xuất gần 400 người TQ vận hành đường dây đánh bạc về lại Trung Quốc đã khiến không ít người hoang mang…
Dư luận tiếp tục hoang mang và căm phẫn khi vừa mới đây (11/8/2019), 3 người TQ đã ra tay sát hại một tài xế taxi Việt Nam tại Lạng Sơn. Hình ảnh các tội phạm trẻ tuổi người TQ rất “an yên” trong đồn công an khiến người dân Việt Nam không khỏi lo lắng, liệu họ sẽ phải trả một cái giá thích đáng cho những gì họ gây ra hay sự việc lại “chìm xuồng”? Dư luận bàn tán và hồ nghi về hệ thống xử lý pháp luật tại Việt Nam!
Thực trạng nhức nhối
Cũng khó để buộc người dân không bàn tán về cách xử lý của chính quyền Việt Nam đối với tội phạm người TQ khi càng ngày số vụ người TQ vi phạm pháp luật tại Việt Nam càng tăng. Nhìn nhận lại thực trạng này, ắt hẳn không ai không nhớ đến vụ việc xảy ra vào ngày 27/7 khi Công an Việt Nam đã bắt giữ hơn 380 công dân TQ điều hành một đường dây đánh bạc bất hợp pháp tại thành phố cảng Hải Phòng, với số tiền vi phạm lên đến 10.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an Việt Nam, đây là một tổ chức tội phạm với phương thức hoạt động mới và tinh vi, được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức dưới 'vỏ bọc' của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng được coi là vụ án liên quan đến số lượng người nước ngoài phạm tội lớn nhất, số lượng cờ bạc và cá cược trực tuyến lớn nhất từng được phát hiện tại Việt Nam. Sự việc gây rúng động trong nước khi được biết “sào huyệt” khủng này đã qua mắt Công an Việt Nam nhiều tháng trời.
Người dân càng hồ hởi bao nhiêu về thành tích phá ổ cờ bạc khủng của người Trung Quốc của Công an Việt Nam thì họ lại càng thất vọng bấy nhiêu khi chỉ sau đó 4 ngày,Việt Nam đã phải bàn giao toàn bộ số người bị bắt giữ và tang vật cho công an Trung Quốc xử lý….
Trước đó, vào tháng 4 năm 2019, một nhóm 40 người Trung Quốc nghi dùng công nghệ cao để lừa đảo cũng bị bắt giữ tại Nha Trang. Sau đó, công an Đà Nẵng cũng phát hiện 35 người Trung Quốc có hành vi vi phạm sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng nhưng thực tế là thuê nhà và tổ chức đánh bạc qua mạng internet…
Việc xử lý có minh bạch?
Với rất nhiều vụ việc người Trung Quốc vi phạm pháp luật tại Việt Nam nhưng thường sau đó người dân không thấy Công an công bố đưa vụ án ra xét xử mà phần đông dẫn độ tội phạm và tang vật về Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết Luật dẫn độ, mà chỉ ký Hiệp định về tương trợ pháp lý về dân sự và hình sự.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, hôm 12/8 RFA liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, và được ông cho biết như sau:
“Vấn đề tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự hình sự thì Việt Nam đã ký với nhiều nước như Hàn Quốc, Hungary, Bulgaria… trong đó có Trung Quốc, thì đã có rất lâu rồi, công dân nước này có thể hưởng bảo hộ pháp lý trên nước kia… Còn vấn đề dẫn độ là hợp tác tương trợ tư pháp giữa hai nước với nhau, có quyền yêu cầu bắt giữ hoặc chuyển giao người tội phạm. Việc dẫn độ được tiến hành giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu, toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động pháp lý này được thực thi theo pháp luật nước sở tại và các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp.”
Theo luật sư Hậu, việc dẫn độ hơn 300 người Trung Quốc phạm tội tổ chức đánh bạc ở Việt Nam cũng phù hợp Hiệp ước tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm 12/8 từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh lại không đồng tình:
“Theo quy định luật hình sự Việt Nam thì dù là người nước ngoài đi nữa mà phạm tội trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và vi phạm pháp luật Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền để xét xử. Thậm chí nó thể hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, nó thể hiện chủ quyền của quốc gia. Đây là vấn đề nghiêm trọng, nhưng tôi không hiểu sao hơn 300 người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam một cách rõ ràng và cụ thể, thì việc xét xử rất là bình thường nhưng tôi không hiểu sao lại dẫn độ hết về Trung Quốc, rồi không biết họ có xử hay không? Đối với luật hình sự thì đây là vụ bỏ lọt tội phạm rất lớn nhất, vi phạm quyền tài phán quốc gia, vi phạm chủ quyền quốc gia.”
Theo luật sư Mạnh, trong trường hợp xử lý về người thì tài sản cũng vậy, đó là tang vật vụ án thì phải tịch thu. Thậm chí khi xử lý tại tòa còn có thể căn cứ theo những con số tang vật, để đưa ra mức phạt tài chính phù hợp.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, khi trả lời RFA hôm 12/8, giải thích thêm:
“Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định về dẫn độ, tuy nhiên phải theo hiệp ước giữa hai bên, thứ hai là trường hợp viên chức ngoại giao, một trường hợp nữa là do hai bộ ngoại giao làm việc với nhau để giải quyết. Tuy nhiên một nguyên tắc tối thượng trong bộ luật hình sự là tội phạm hình sự xảy ra ở đâu, thì xử ở đó. Tức là xảy ra ở Việt Nam thì Việt Nam phải xử, riêng trường hợp Trung Quốc thì nó đặc biệt như thế nào đó mà hiện nay tôi chưa hiểu rõ là họ căn cứ vào đâu để họ dẫn độ những công dân Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam, vì về nguyên tắc là phải xử ở Việt Nam.”
Ngoài ra, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
Trở lại vụ Công an Việt Nam bắt giữ hơn 380 công dân Trung Quốc điều hành đường dây đánh bạc ở Hải Phòng. Khi trả lời báo An Ninh Thủ Đô hôm 29/7/2019 về việc người nước ngoài phạm tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc ở Việt Nam sẽ bị xử lý ra sao? Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, dẫn Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.
Tuy nhiên Luật sư Đặng Đình Mạnh lại không đồng tình:
“Chắc chắn không, theo quy chế về đối xử ngoại giao thì theo một công ước gọi là công ước Vienna (Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao, được thông qua năm 1961 và có hiệu lực vào năm 1964). Theo công ước này thì chỉ miễn trừ cho những người có hộ chiếu ngoại giao, còn lại là xử lý theo bộ luật hình sự chứ không theo hiệp ước về lãnh sự của Vienna. Cho nên vị luật sư đó nói chỉ đúng trong phạm vi đó thôi, chứ áp dụng cho hơn 300 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc ở Việt Nam thì không đúng, những người này là thường dân, không thể hưởng quy chế ngoại giao.”
Ở một diễn biến khác, hôm 12/8 theo báo Pháp Luật, Bộ Công An cho biết, tính đến tháng 5/2019, hơn 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại Việt Nam. Đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Số phạm nhân quốc tịch Trung Quốc (bao gồm Đài Loan, Hong Kong, Macao) chiếm khá nhiều…(?!)
Nhìn ra thế giới
Mặc dù Anh đã trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc từ năm 1997 và Hong Kong cũng đã ban hành chính sách “một quốc gia, 2 chế độ” sau đó. Tương tự các nước khác, Hong Kong cũng đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước khác nhau (tuy nhiên danh sách 20 vùng tài phán này không có Trung Quốc và Việt Nam) nhưng khi chính quyền Hong Kong đưa ra dự luật dẫn độ xác nhận các nhóm tội có thể bị dẫn độ về Trung Quốc xử lý, liền bị người dân phản ứng gây gắt. Nhìn nhận từ sự việc ở Hong Kong với Việt Nam, từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói lên suy nghĩ của mình:
“Vấn đề này cũng đưa ra nhiều suy nghĩ, mặc dù HongKong hiện nay là một quốc gia hai chế độ, nhưng rõ ràng người HongKong vẫn muốn đòi hỏi sự độc lập nhất định cho HongKong, ít nhất là độc lập về tài phán, chứ không phụ thuộc vào chế độ Đại Lục. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia hoàn toàn độc lập với nhau, có chủ quyền riêng, nhưng lại hành xử y như là một dạng lục địa, thậm chí còn tệ hơn HongKong. Trong khi HongKong không chấp nhận chuyện đó, thì Việt Nam lại hết sức dễ dàng chấp nhận khả năng đó.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cay đắng cho rằng, thậm chí địa vị pháp lý của Việt Nam còn tệ hơn địa vị pháp lý mà HongKong đang có.
Tội phạm người Trung Quốc ngày càng lộng hành, sao để vậy?
TTO - Liên tiếp nhiều vụ việc người Trung Quốc phạm pháp tại Việt Nam, mức độ và tác hại hành vi của họ ngày càng nghiêm trọng. Pháp luật về quản lý người nước ngoài chưa chặt chẽ hay chúng ta thực thi chưa nghiêm?
Cơ quan công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam để điều tra hành vi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” - Ảnh: H.HOÀNG
Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
* Vũ Trung Kiên - Học viện Chính trị hành chính khu vực II:
Truy trách nhiệm quản lý địa bàn
Bắt nhóm người Trung Quốc thuê trẻ em đóng "phim người lớn" tại Đà Nẵng, bắt nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi tại TP.HCM, bắt nhóm người Trung Quốc đánh cắp thông tin thẻ ATM, điều hành cơ sở sản xuất ma túy lớn nhất từ trước đến nay... Đó là các thông tin tràn ngập trên mặt báo những ngày qua, đã làm người dân cảm thấy bất an vì quy mô và tác hại quá lớn của những vụ việc này.
Chuyện này không phải ngày một ngày hai. Câu hỏi đặt ra là những ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong những trường hợp này? Và cần nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm quản lý địa bàn, bảo vệ an ninh trật tự, bởi những vụ việc phát hiện mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Chỉ đơn cử ví dụ là vụ việc bắt nhóm người Trung Quốc cho vay trực tuyến qua app với lãi suất "cắt cổ" ở TP.HCM, nếu không vì mâu thuẫn trong nội bộ, liệu đã phát hiện vụ việc này chưa?
Phải chăng vì mất cảnh giác hoặc vì lợi ích cá nhân và những lý do khác, nhiều người Việt đã tiếp tay cho tội phạm, thậm chí tham gia đường dây của họ? Nếu không phải thì tại sao tên những người thuê khách sạn, đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm trú, đứng tên thuê phòng trọ... cho các nhóm người Trung Quốc này hầu hết đều là người Việt?
Đã đến lúc phải quy trách nhiệm rõ ràng về việc quản lý cư trú của người nước ngoài. Theo tôi, công an từng địa bàn phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong việc quản lý địa bàn, ngăn chặn hành vi phi pháp của người nước ngoài, thực hiện nghiêm quy định về quản lý người nước ngoài. Cũng cần lắm tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của mỗi người dân.
* Luật sư Trần Hậu - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng:
Bất an với hoạt động tội phạm của người Trung Quốc
Người dân bất an trước nhiều hoạt động tội phạm của người Trung Quốc diễn ra có hệ thống, có tổ chức và với số lượng người rất đông ở một số địa phương tại Việt Nam vừa qua.
Tội phạm nước ngoài xuất hiện nhiều cho thấy nhiều vấn đề về quản lý cư trú, dân cư, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh. Theo quy định pháp luật thì chỉ các nhà đầu tư, thương nhân, chuyên gia trong các lĩnh vực, khách du lịch... là các đối tượng được lưu trú ở Việt Nam với các điều kiện không dễ dàng.
Thế nhưng sau nhiều vụ án được phá, chúng ta thấy người Trung Quốc thuộc các thành phần tội phạm, lao động phổ thông, không nghề nghiệp rất dễ dàng cư trú ở Việt Nam. Đây là lỗ hổng về quản lý người nước ngoài.
Chúng ta có nhiều quy định về lưu trú, khai báo tạm trú, xuất nhập cảnh, quản lý lao động nước ngoài nhưng không kiểm soát được. Nhiều trường hợp người Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường du lịch và ở lại luôn, đến khi phát sinh các hậu quả mới trục xuất họ thì đã muộn.
Việc cho phép người Trung Quốc đầu tư, kinh doanh cũng có dễ dãi nên họ đã lợi dụng điều này. Ban đầu là những đầu tư nhỏ lẻ như mở nhà hàng, quán ăn... sau đó họ nhờ người mua đất, lưu trú để thực hiện các hoạt động phi pháp.
Người Trung Quốc phạm pháp hình sự vẫn bị xử lý, xét xử tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Cần những bản án nghiêm minh để trừng trị và răn đe đối với hoạt động phạm tội của người Trung Quốc nói riêng và người nước ngoài nói chung.
Theo tôi, muốn ngăn chặn các hoạt động phạm pháp của người Trung Quốc, các cơ quan quản lý lưu trú phải nắm được họ đang ở đâu, làm gì, sinh sống ra sao ở Việt Nam. Nếu không kiểm soát, quản lý được bằng pháp luật, sẽ còn nhiều hệ lụy cho sự bất ổn xã hội.
* Luật sư Diệp Năng Bình - Hà Nội:
Tăng cường quản lý từ khâu nhập cảnh
Cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài được đánh giá rất mở đã thu hút nhiều người nước ngoài đến Việt Nam. Họ được phép thuê người Việt làm việc, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tội phạm lợi dụng.
Dư luận rúng động khi liên tiếp những tháng đầu năm 2019, Bộ Công an và công an các tỉnh thành triệt phá hàng loạt đường dây vận chuyển ma túy với tang vật lên tới hàng tấn ma túy tổng hợp. Nghi phạm cầm đầu đều là người nước ngoài, trong đó không ít vào Việt Nam với danh nghĩa "nhà đầu tư".
Theo tôi, cần phải tăng cường quản lý từ khâu nhập cảnh, việc ra vào cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Chúng ta vẫn mở cửa, song phải thắt chặt các thủ tục, quy trình để làm sao quản lý tội phạm nước ngoài tốt nhất.
* Ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Q.8, TP.HCM:
Không phải là cá biệt
Người Trung Quốc chiếm dân số lớn nhất trên thế giới. Các nước Đông Nam Á có vị trí địa lý tiếp giáp, gần gũi văn hóa, lịch sử giao thương với Trung Quốc. Tội phạm cũng theo đó mà vào. Người Trung Quốc phạm tội liên quan đến cờ bạc, lừa đảo... ở nhiều nước khu vực Đông Nam Á (như Philippines, Campuchia, Thái Lan...), chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, theo tôi, người dân cần tăng cường cảnh giác, giám sát và trình báo khi phát hiện hành vi có dấu hiệu bất thường của các đối tượng người Trung Quốc. Tôi thấy người dân Đà Nẵng thực hiện việc cảnh giác, giám sát khá tốt.
Chính quyền địa phương phải quản lý tốt di biến động của người nước ngoài tại địa bàn. Tôi thấy chúng ta quản lý khá tốt người Hàn, người Nhật sinh sống, làm việc, còn người Trung Quốc thì không tốt. Việc này có phần do chính người Hàn, Nhật mong muốn được chính quyền sở tại quản lý, bảo đảm an toàn.
Các đối tượng tội phạm thì ngược lại. Cơ quan chuyên môn quản lý an ninh phải quản lý chặt đầu ra, đầu vào đối với khách Trung Quốc bằng visa nhập cảnh, siết quản trú cho đến việc xuất cảnh để hạn chế hành vi phạm tội.THÁI AN ghi
Một ngày, 3 vụ việc nghiêm trọng
Ngày 17-9, Công an TP Đà Nẵng công bố thông tin bắt khẩn cấp nhóm người Trung Quốc cùng một người Việt để điều tra về hành vi dụ dỗ và quan hệ tình dục với một bé gái 15 tuổi. Cùng ngày, Công an TP Vinh, Nghệ An cũng tạm giữ ba người Trung Quốc về hành vi sử dụng mạng máy tính và mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản.
Cũng trong ngày 17-9, Công an Q.2, TP.HCM đã bàn giao 9 nghi phạm (trong đó có 6 người Trung Quốc) cho Công an TP để điều tra hành vi cho vay nặng lãi qua app.
Hải Phòng siết quản lý người nước ngoài
Cuối tháng 7-2019, tại TP Hải Phòng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hải Phòng triệt phá thành công đường dây đánh bạc do người Trung Quốc điều hành tại khu đô thị Our City, phường Hải Thành, quận Dương Kinh.
395 người Trung Quốc cùng hàng trăm máy tính các loại phục vụ việc vận hành đường dây đánh bạc trực tuyến, với giá trị giao dịch lên đến hơn 12.000 tỉ đồng đã được phát hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan vấn đề này, một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho rằng việc quản lý người nước ngoài để đảm bảo tình hình an ninh trật tự thì nòng cốt phải là lực lượng công an, thông qua quản lý hoạt động xuất nhập cảnh của người nước ngoài.
Sau sự việc tại khu đô thị Our City, TP đã siết chặt công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn để có thể ngăn chặn sớm tội phạm, tăng cường quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn.
* Theo một lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, tình trạng người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam là không cá biệt. Các quốc gia lân cận cũng đều xảy ra việc người Trung Quốc đi du lịch, cư trú rồi vi phạm pháp luật… Vấn đề là ở chỗ chính sách, biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn của từng quốc gia.
TTO - Sáng 17-9, Công an TP Đà Nẵng cho biết đã bắt khẩn cấp 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam để điều tra hành vi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.