CSVN: Một trong những nước độc tài vi phạm nhân quyền nhất hành tinh
17.01.2024 09:24
Nhân quyền Việt Nam: ‘Một năm u ám’
Việt Nam vẫn chưa cải thiện được vị trí trong các bảng xếp hạng về nhân quyền của quốc tế.
Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) 2024 công bố tại Bangkok hôm 12/1 tóm tắt tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 bằng từ ‘u ám’.
Trước đó, hôm 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã cố gắng mô tả mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như một giải pháp thay thế cho tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước. Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ của Việt Nam nên ngừng cho phép các tiêu chuẩn kép trắng trợn làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội phải thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình.”
Về quyền tự do biểu đạt: Việt Nam hiện đang giam giữ 160 người chỉ vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, báo cáo của HRW cho hay.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất 28 nhà hoạt động và tuyên họ các án tù dài hạn. Những người này gồm Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước.
Cảnh sát đã giam giữ ít nhất 19 người trước khi xét xử với các cáo buộc có động cơ chính trị, trong đó có các cựu tù chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023 là năm Việt Nam được ghi nhận đã mở rộng đối tượng đàn áp sang các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Tháng 5/2023, Việt Nam bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ‘không có thật’ về trốn thuế. Tháng 9/2023, bà Hồng – người từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi là một lãnh đạo môi trường nhiệt huyết – bị tuyên án ba năm tù.
Về quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin: Chính phủ Việt Nam cấm báo chí độc lập và đặt ra các quy định kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan xuất bản.
HRW tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự đàn áp của Việt Nam đối với quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực với các nhà cung cấp mạng xã hội như Meta (Facebook và Instagram), Google, TikTok… để buộc họ gỡ bỏ nội dung chỉ trích chính phủ hoặc các lãnh đạo ĐCSVN.
Trong ba tháng đầu năm 2023, Meta đã ‘khóa và gỡ hơn 1.000 bài đăng có ‘nội dung xấu’, đạt 93% yêu cầu của chính phủ; “Google gỡ gần 1.700 video trên YouTube”. TikTok gỡ hơn 300 link và 47 tài khoản và kênh các nội dung xấu, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Một bài báo trên Washington Post hồi tháng 6/2023 cho hay hai nhân viên của Meta tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam ‘bóp nghẹt’ tự do báo chí. Theo đó, Meta “có một danh sách nội bộ các quan chức chính phủ Việt Nam không được để bị chỉ trích trên Facebook” và danh sách này “là thông tin nội bộ của công ty và chưa từng được công bố công khai”.
Về tự do tôn giáo: Chính quyền Việt Nam theo dõi, gây khó dễ và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Thành viên của các nhóm này bị sỉ nhục nơi công cộng, bị ép từ bỏ đạo, bị bắt giữ tùy tiện, bị tra khảo và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng.
Tính đến tháng 9/2021, chính phủ Việt Nam cho hay đã chính thức không thừa nhận 140 nhóm tôn giáo với khoảng một triệu tín đồ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/1 đã yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và thay vì thế cần ‘đánh giá vấn đề một cách khách quan’.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, nói: “Việt Nam lấy là tiếc và đề nghị Mỹ ngưng việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi dặc biệt liên quan đến tự do tôn giáo”, và nói thêm rằng việc này cần được “đánh giá một cách khách quan dựa trên các thông tin chính xác và toàn diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam”.
“Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề quan tâm chung trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để góp phần phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển.”
Vì sao vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tồi tệ và ngày càng tồi tệ hơn?
Thiện Ý
Năm 2021, theo ghi nhận của các cơ quan truyền thông, các tổ chức theo dõi, bảo vệ nhân quyền quốc tế, thì số người bất đồng chính kiến bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt cầm tù đạt con số kỷ lục, cao hơn nhiều các năm trước đây.
Thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền và Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho thấy tính đến hết tháng 5 năm 2021, có 288 tù nhân lương tâm bị giam giữ trong các điều kiện khắc nghiệt ở Việt Nam dù Hà Nội luôn phủ nhận rằng “không có cái gọi là tù nhân lương tâm” ở đây. Trong bức thư gửi tới Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris, trước chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8, hai tổ chức này nói rằng từ năm 2020 đến 2021, chính phủ Việt nam tiếp tục vi phạm các quyền cơ bản của con người, từ phân biệt đối xử, bắt giữ và giam giữ tuỳ tiện, vi phạm công bằng xét xử đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do ý kiến và biểu đạt, tự do lập hội.
Các tổ chức theo dõi, bảo vệ nhân quyền này đánh giá rằng “Năm 2021 chứng kiến sự đàn áp của chính quyền Hà Nội đối với giới bất đồng chính kiến mà giới hoạt động và theo dõi nhân quyền quốc tế cho là tồi tệ nhất trong những năm gần đây trong bối cảnh đại dịch và sự làm ngơ của phương Tây”.
Thực ra, đánh giá này không có gì mới, không làm ai ngạc nhiên; chỉ có câu hỏi được nhiều người đặt ra từ lâu là “Vì sao vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tồi tệ và ngày càng tồi tệ hơn?”
Câu trả lời thì đã có. Nhưng cách thức giải đề hiệu quả thực tế thì chưa.
1. Câu trả lời thì đã có, là vì tương quan không cân sức giữa những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam.
-Những người bất đồng chính kiến thì không có vũ khí gì trong tay, chỉ có lương tâm và hành động đấu tranh ôn hòa cho chính nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền. Trong khi nhà cầm quyền trong thể chế độc tài toàn trị, có quyền đẻ ra luật pháp, tòa án, nhà tù, pháp trường và các công cụ chuyên chính khác như công an, quân đội… để đàn áp mọi phản kháng, chống đối của người dân.
-Vì tương quan không cân sức như thế, các nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền… cần sức hậu thuẫn quốc tế, như Liên Hiệp Quốc, chính quyền các quốc gia dân chủ, các tổ chức quốc tế theo dõi và bảo vệ nhân quyền quốc tế. Nhưng sức hậu thuẫn nay thường chỉ là những lời tố cáo, lên án kèm theo những biện pháp gây áp lưc với nhà cầm quyền Việt Nam; hay những biện pháp chế tài một số cá nhân viên chức chính quyền có hành vi vi phạm nhân quyền như là các biện pháp trừng phạt theo kiểu (Đạo luật) Magnitsky đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu…). Thế nhưng tất cả các biện pháp đối phó này chỉ có hiệu quả giới hạn hoặc chẳng có tác dụng gì ngăn chặn, đẩy lùi được các hành động đàn áp của nhà đương quyền Việt Nam. Thực tế hiệu quả cụ thể thấy được chỉ là sự can thiệp để nhà cầm quyền thả một số tù nhân lương tâm đưa ra nước ngoài. Nhưng sau đó, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng bắt bớ bỏ tù số tù nhân lương tâm nhiều hơn, với những bản án nặng nề hơn. Vì sao?
2. Vì cách thức giải đề hiệu quả thực tế thì chưa.
Theo nhận định của nhiều người hệ quả thực tế tồi tệ trên là vì:
(1) Các biện pháp chế tài bao lâu nay không có tác động trực tiếp vào quyền lợi thiết thân của hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của đảng và nhà cầm quyền Việt Nam.
(2) Về đối nội đảng và nhà đương quyền Việt Nam tự mãn rằng vị thế cầm quyền của họ vững như bàn thạch. Trong nước không một thế lực chính trị hay quân sự nào có thể đe dọa lật đổ, thay thế vị thế lãnh đạo độc tôn, độc quyền, độc tài của một tập đoàn thống trị dày kinh nghiệm trấn áp nhân dân bằng bạo lực.
(3) Về đối ngoại, dựa vào tư thế chủ quyền của một quốc gia độc lập, theo công pháp quốc tế, đảng và nhà đương quyền Việt Nam biết được giới hạn của các biện pháp trừng phạt khả thi của quốc tế hay các quốc gia khác không thể vượt qua. Trong khi họ biết rằng quốc tế nói chung, Hoa Kỳ và các cường quốc có ảnh hưởng nói riêng, đang rất cần đến vị thế địa chính trị của Việt Nam trong thế chiến lược bao vây gián chỉ sự bành trướng thế lực trong vùng của Trung Quốc. Vì thế, đảng và nhà đương quyền Việt Nam bất chấp mọi áp lực, vì biết rằng liên minh các cường quốc, đứng đầu là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không vì nhân quyền cho nhân dân Việt Nam mà hy sinh những lợi ích quốc gia trong đó có lợi chiến lược quân sự, kinh tế trong vùng của họ.
Đúng như ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với VOA, rằng ‘“Quốc tế và các nước phương Tây cũng có một số phản ứng yếu ớt về việc đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản nhưng đối với phương Tây họ vẫn coi trọng quyền lợi kinh tế hơn. Như Hoa Kỳ, bên cạnh kinh tế, cũng muốn lợi dụng Việt Nam để làm tiền đồn chống Trung Quốc”.
Hệ quả thực tế là, bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền và cả các thành viên của Liên minh châu Âu, EU vẫn đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và đối tác đầu tư (EVIPA) với Việt Nam. Còn chính quyền Mỹ trong năm qua cũng đã tăng cường quan hệ an ninh và thương mại với Việt Nam bằng hai chuyến thăm cấp cao của Phó Tổng thống Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Sau các chuyến thăm này, Đảng Cộng sản vẫn không ngừng việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và những người lên tiếng cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) nhận định với VOA về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm nay: “Thật không may, tình hình an ninh ở Biển Đông và vai trò mới của Việt Nam với tư cách là quốc gia thay thế cho Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng, đã đẩy các vấn đề nhân quyền ra ngoài lề”, ông Robertson nói. “Mỹ và các đồng minh đang cho phép Việt Nam thoát khỏi những vi phạm nhân quyền đáng kể và có hệ thống, và điều này cần phải dừng lại”.
Theo ông Robertson và ông Ngữ, điều đó có nghĩa nhân quyền cho Việt Nam sẽ là thứ yếu.
“Tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ hơn theo đúng nghĩa đen từng ngày (ở Việt Nam)”, ông Robertson nói. “Và chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ truy tố vào năm 2022”.
Đồng ý kiến, ông Ngữ cho rằng giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự ở Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn hơn trong hoạt động nếu chính quyền Hà Nội được phương Tây o bế vì các lợi ích an ninh và thương mại. Theo ông Ngữ, việc bắt giữ, đàn áp có lẽ sẽ tương tự hoặc nhiều hơn so với hai ba năm gần đây.
3. Thay lời kết
Đến đây có thể kết luận rằng, dù hậu thuẫn quốc tế cho các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền hiệu quả đến đâu; dù nhà đương quyền Việt Nam có tiếp tục đàn áp bắt bớ, tù đầy ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến trong các năm tới… điều chắc chắn là, thực tế cũng không thể, không bao giờ dập tắt được ngọn lửa đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Nhiều nhà dân chủ sẽ nối tiếp, chấp nhận tù đầy, hy sinh, gian khổ cho đến ngày Việt Nam có dân chủ và nhất định sẽ có dân chủ
Việt Nam vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng đối với quyền làm người đã được qui định ở Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 10-12- 1948, một sự vi pham toàn diện ở các mặt đời sống chính tri. Nhưng trong bài viết này tôi chỉ đề cập ở một số vi phạm quyền tối thiểu hàng ngày nhưng quan trọng, nó cản trở sự phát triển cá nhân, xã hội và quốc gia dân tộc.
Với tư cách là người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam tôi đối chiếu thực tế trong luật Việt Nam và thực tế hành xử của các cơ quan chính quyền đối với tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc thì thấy:
1- “Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán” – trích điều 17 Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hợp Quốc. Như vậy ở điều 17 này đã nói lên quyền được sở hữu về tài sản, mà đã sở hữu thì họ có quyền tư hữu- [làm của riêng mình], có quyền sử dụng [để khai thác vào mục đích cá nhân], có quyền định đoạt tài sản [cho biếu tặng…].
Vậy đất đai là một loại tài sản đặc biệt của mỗi cá nhân và mỗi cá nhân có quyền sở hữu, nhưng trên thực tế ở Việt Nam thì đất đai lại qui định về quyền sở hữu nhà nước. Như vậy nhà nước đã tước đoạt quyền sở hữu của người dân về loại tài sản đặc biệt này một cách cố ý. Đi ngược lại với điều 17 nêu trên.
Mặt khác khi nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất thì lại vi phạm về quyền định đoạt tài sản cá nhân. Đất là một tài sản vì thế có thể nói hộ gia đình là một chủ thể kinh tế, doanh nghiệp cũng là một chủ thể kinh tế và khi hai chủ thể này mua bán với nhau thì phải theo giá thị trường và được trực tiếp thỏa thuận với nhau về giá, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ xác nhận mua bán này. Thế nhưng ở Việt Nam thì nhà nước lại trực tiếp can thiệp vào giao dịch ấy, trong quá trình can thiệp nghiêng về chủ thể kinh tế doanh nghiệp mà không quan tâm đến chủ thể kinh tế gia đình [chủ sở hữu đất].
Có thể nói là nhà nước bảo vệ lợi ích doanh nghiệp mà bỏ qua lợi ích của người dân lao động là chủ sở hữu mảnh đất nhỏ bé để trồng lúa trồng rau sống qua ngày, qua đời, người nông dân đã bị bỏ rơi. Tình trạng vi phạm này đang phổ biến ở Việt Nam và việc này đã đẩy nhiều người lao động không đất đai, không tài sản họ sẽ bị đói nghèo cùng cực. Biểu hiện của nó thể hiện ở những người dân đi khiếu kiện và đã có rất nhiều người đã phải chết vì đòi quyền lợi chính đáng này.
2- “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua việc giảng dạy, hành đạo thờ phụng và nghi lễ hoạc riêng mình với người khác, tại nơi công cộng hay nhà riêng”. Điều 18 trích Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hợp Quốc.
Trên thực tế ở Việt Nam thì quyền này thường xuyên bị ngăn cản, một số tôn giáo còn bị cấm và phân biệt đối xử của nhà nước với các tôn giáo.
Đạo Tin Lành ở Tây Nguyên [Tin lành Đềga] thì bị ngăn cản và những tín đồ không được xây nhà thờ không được tập trung cầu nguyện vì thế mà nhiều người dân chỉ thực hiện tín ngưỡng ở nhà và vụng trộm. Tin Lành Tây bắc cũng vậy, những người theo tin lành thì đều bị cho là kẻ xấu, những người truyền đạo thì có thể bị bắt.
Cư xử của nhà nước giữa Phật giáo Việt Nam thống nhất miền Nam không được quan tâm như Phật giáo miền bắc, giữa Phật giáo với Thiên chúa giáo và với các tôn giáo khác như Cao Đài – Hòa Hảo thì chính sách khác nhau. Biểu hiện của nó là những vụ ngăn cản của chính quyền với Thiên Chúa Giáo [Thái Hà, nhà Chung ……] ở Hà Nội, miền trung, miền nam., Tây Nguyên… Những tín đồ rất khó hành đạo và bị kiểm soát gắt gao.
3 – “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm cả quyền không bị ai can thiệp vì những quan niện của mình và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia”.
Trích điều 19 Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hợp Quốc. Ở đây ta thấy điều này thuộc về tự do ngôn luận, chính kiến, bày tỏ thái độ quan điểm cá nhân trước một vấn đề quốc gia mà không bị ai can thiệp bắt bớ, mọi người có quyền nhận và truyền thông tin chia sẻ với người khác bằng tất cả những phương tiện gì mình có thể thì đều phải được tôn trọng.
Thực tế Việt Nam đã đi ngược lại điều 19 Tuyên Ngôn bằng điều 88 của bộ luật hình sự Việt Nam “Làm ra, tàng trữ, tán phát tài liệu….” thì bị buộc tội chống nhà nước. Ai phát biểu quan điểm cá nhân cũng bị cho vào tội tuyên truyền, phỉ báng chính quyền… trả lời báo chí về thái độ chính trị … cũng bị buộc vào tội Chống nhà nước…vân vân…., bị nhà nước bắt bỏ tù. Ở điều này nhà nước Việt Nam tìm mọi cách để bịt miệng những ai nói lên sự thật, tiếng nói khác với quan điểm nhà nước. Thực tế đã diễn ra nhiều vụ án về tội danh này.
Trên đây tôi chỉ nêu ra ba ví dụ để minh chứng cho thấy luật Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, vi phạm vào Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết thừa nhận, tôn trọng, thực thi. Nhưng trên thực tế thì đi ngược lại, mà đôi khi hành xử trên thực địa của những người thi hành luật đi ngược với luật và luật đi ngược với hiến pháp do chính Việt Nam làm ra nó.
Ví dụ : Trong hiến pháp 1992 điều 69 qui định “công dân có quyền tự do ngôn luận………” thế nhưng điều 88 Bộ luật hình sự thì lại phạt tù những người thực hiện theo hiến pháp. Về nguyên tắc, luật hình sự là luật con, hiến pháp là luật mẹ [gốc], luật con mà đi ngược lại luật mẹ thì đều không có giá trị. Nhưng vì bảo vệ chế độ chính trị mà họ tạo ra điều 88 và điều 79 để xét xử buộc tội những ai có ý công kích chế độ, phản đối chế độ, cạnh tranh với chế độ cộng sản.
Việc những năm gần đây Việt Nam gia tăng bắt giữ những người có quan điểm và thái độ không đồng tình với nhà nước về cách điều hành đất nước, quản lý lãnh đạo, để tình trạng tham nhũng, đói nghèo, ngày càng gia tăng, đất nước thụt lùi so với xu thế phát triển chung của nhân loại. Những hành động bắt giữ này đã vi phạm nghiêm trọng về quyền căn bản của con người mà tổ chức Liên Hợp Quốc đã qui định, xác nhận tôn trọng và yêu cầu thực thi trong thực tế. Các tổ chức nhân quyền trên thế giới cũng đã lên án nhiều lần Việt Nam vi phạm nhân quyền, nhưng Việt Nam vẫn không thay đổi hay cải thiện về vấn đề nhân quyền. Tổ Chức Nhân Quyền Liên Hợp Quốc cần có một biện pháp rất dứt khoát và triệt để đối với tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thì tình hình mới có thể thay đổi.