“Niềm hy vọng cho đàn ông Trung Quốc độc thân”
Việc 23 cô dâu Việt liên tiếp được gả vào cùng một thị trấn Lâm Kỳ, TP.Lâm Châu thuộc vùng núi heo hút tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc từ năm 2007 tới nay, đã gây hiếu kỳ cho không ít người dân nước này, và được Tân Hoa xã đưa tin vào ngày 13.8.
|
Theo đó, một số cô dâu đã quen và đồng ý lấy các ông chồng này trong thời gian họ sang VN làm thuê. Như cô dâu Đoàn Thị Hồng Thái cho biết năm 2010 khi đang làm công nhân ở Ninh Bình thì quen biết người chồng hiện giờ là Trương Vệ Giang. Cả hai đang sống tại thôn Vĩ Giản, thị trấn Lâm Kỳ cùng con cái. Tuy nhiên, ngoài số ít hiếm hoi các cặp lấy nhau nhờ tình yêu thực sự, đa phần đều lấy qua con đường môi giới hôn nhân với ước vọng đổi đời. Một số ít khác thì bị lừa bán do cả tin, ham chơi.
|
Số lượng cô dâu Việt ở Trung Quốc ngày càng tăng. Theo tin trên tờ Báo buổi sáng đăng ngày 12.7.2013, số cô dâu Việt đăng ký kết hôn tại huyện Thái Thuận, TP.Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang năm 2011 mới chỉ 13, tới năm 2012 đã tăng lên 73 cô và tới nay đã là 97 cô. Đài Phượng Hoàng còn đăng tải bài Cô dâu Việt Nam - niềm hy vọng cho cánh đàn ông Trung Quốc độc thân.
Tân Hoa xã cũng thừa nhận tỷ lệ chênh lệch quá lớn giữa nam - nữ nước này sẽ dẫn đến tình trạng vào năm 2020, hoặc thậm chí năm 2040, Trung Quốc có tới 24 triệu đàn ông phải chịu cảnh độc thân. Có cầu ắt có cung, các trang web môi giới hôn nhân với cô dâu Việt nảy nở như nấm sau mưa.
Như món hàng
Chỉ cần gõ 4 chữ bằng tiếng Hoa “cô dâu Việt Nam”, ngay lập tức có tới 2,36 triệu kết quả cùng vô số trang web môi giới hôn nhân cô dâu Việt hoạt động công khai và chuyên nghiệp.
Trên trang Cô dâu Việt Nam Thành Tín www.5188...com có chia rõ các mục: chi phí mai mối: 38.000 tệ (khoảng 133 triệu đồng) đối với một cô gái nông thôn có nhan sắc trung bình, tuổi từ 18-23; 50.000 tệ (175 triệu đồng) đối với yêu cầu cao hơn như gái trinh, sinh viên đại học, nhan sắc đẹp; quy trình mai mối cùng các điều khoản như: bảo đảm trong 3 tháng đầu tiên sau khi cưới, nếu cô dâu bỏ trốn sẽ đền cho cô khác…; các câu hỏi thường gặp; danh sách các cô gái Việt sẵn sàng tuyển chồng (đăng kèm hình, clip ghi lại người thật việc thật và thông tin, mã số từng cô); danh sách các cặp đôi thành công (đăng kèm hình); đăng ký xin môi giới; tuyển đại lý… Trang web này còn cung cấp cả hotline 24/24 và các địa chỉ liên lạc tại Trung Quốc (lầu 18 Nhâm Phong Plaza, Đường Thiên Hà, TP.Quảng Châu; hoặc thị trấn Thành Quan, huyện Phương Chính, TP.Cáp Nhĩ Tân), nick chat QQ: 13012692..., số điện thoại ở Trung Quốc (189227599...), ở Việt Nam (0084-12872611...)…
Ngoài ra, còn vô số trang web khác mai mối cô dâu Việt cũng rất chuyên nghiệp không thua kém như www.ynxn9...com, www.0084lo...com, www.0084...com, www.0084...com...
Đặc biệt, trang Cô dâu Việt Nam Phan Thị Mỹ Tiên (www.00848...com) có trụ sở tại TP.Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, giới thiệu do chính cô dâu Việt là Phan Thị Mỹ Tiên sinh năm 1988, sau khi lấy ông chồng Trung Quốc Hoàng Hương Bình hơn cô 25 tuổi, đã đích thân vận hành và đứng ra làm bà mai môi giới cho các chị em đồng hương khác.
Kêu cứu chỉ sau 2 tháng chung sống
Anh Trần Đạt, phiên dịch tiếng Việt của Đài phát thanh Quảng Tây Trung Quốc, là nhân chứng sống được hai cô dâu Việt cầu cứu nhờ giải thoát khỏi các ông chồng đã cưới xin thông qua môi giới.
Nói chuyện với PV Thanh Niên, anh Đạt cho biết hồi trước tết âm lịch năm 2012, một cô dâu tên Phương người Kiên Giang, lấy chồng tận tỉnh Chiết Giang, đột ngột gọi điện thoại cầu cứu, xin anh giúp đỡ cô trở về nước do không chịu nổi giá rét lạnh buốt của mùa đông phương Bắc. Bất đồng ngôn ngữ, không hợp ẩm thực, văn hóa, thời tiết khiến cô và một cô dâu khác sống tại đây thật khổ sở và không thể chịu đựng nổi dù mới sống được 2 tháng.
Mặc dù không quen, nhưng thấy cô dâu Phương gọi điện thoại nhiều lần trong tuyệt vọng xin giúp đỡ, anh Đạt đã từ Nam Ninh lên tận TP.Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, phối hợp cùng công an nơi đây giúp hai cô dâu này nhanh chóng làm thủ tục ly dị để về nước.
Tìm hiểu thêm, anh Đạt mới biết chồng cô Phương vốn là một thợ sửa chữa ô tô, gia cảnh khá nghèo, gom góp vay mượn mãi mới được 50.000 tệ (175 triệu đồng) thông qua môi giới sang VN lấy vợ. “Thực sự tôi cũng sợ bị chồng các cô dâu này đánh lắm, vì như vậy mình là người cướp dâu mà. Cũng may có công an can thiệp nên họ đành để các cô dâu làm thủ tục ly dị, về nước”, anh Trần Đạt kể. Cũng theo anh Đạt, trường hợp cô dâu Việt sang lấy chồng Trung Quốc không hợp thủy thổ, ẩm thực, bất đồng ngôn ngữ, sinh chán nản, đòi chia tay về nước không phải là ít.
Theo nguồn tin từ các tổng lãnh sự quán VN tại Trung Quốc, không ít trường hợp cô dâu Việt cưới xin đàng hoàng với đàn ông đại lục, sau khi sang đại lục sinh sống đã vỡ mộng hôn nhân ngoại, không có được cuộc sống sung sướng như họ kỳ vọng nên đã bỏ về nước.
Do không biết tiếng bản địa, họ thường được chỉ vào các tổng lãnh sự quán VN tại Trung Quốc hoặc Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh xin giúp đỡ.
Không ít trường hợp các cô dâu có hoàn cảnh quá khó khăn, không đủ tiền mua vé về nước, các cán bộ sứ quán phải góp tiền vào giúp đỡ. “Các cô dâu Việt trước khi lấy chồng Trung Quốc cần biết rõ sự thật: cuộc sống tương lai không giàu sang sung túc như họ hằng tưởng tượng.
Vì phần lớn các ông chồng sang VN tìm vợ đều xuất thân từ nông dân, sinh sống tại miền Bắc với thời tiết giá lạnh, thức ăn cay, mặn, nhiều đồ dầu mỡ… hoàn toàn không hợp khẩu vị.
Cô dâu Việt trước khi kết hôn cần tìm hiểu kỹ về thời tiết, ẩm thực, công việc, cuộc sống của người mà mình xác định lấy làm chồng, tránh tình trạng sang tới nơi không chịu đựng nổi, phải tìm cách trốn chạy về nước, gây thiệt hại và tổn thương cho cả hai bên, hoặc gây nên tiếng xấu là “lừa đảo kết hôn”. Đó là chưa nói, nếu không tìm hiểu kỹ, dễ bị lừa đảo, rơi vào các đường dây buôn người, bán dâm...”, một cán bộ lãnh sự quán VN tại Trung Quốc cảnh báo.
Bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ lẽ, bán dâm Hơn 1 năm trở lại đây, cơ quan chức năng VN và Trung Quốc đã giải cứu hàng chục nạn nhân bị bán sang Trung Quốc lấy chồng, đưa vào động mại dâm... Mới đây nhất, ngày 13.6.2013, lực lượng chức năng Trung Quốc bàn giao Đồn biên phòng Thanh Thủy, Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (VN) 23 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc làm thuê và bán dâm. Cũng trong tháng 6.2013, Công an tỉnh Hà Giang khởi tố Nguyễn Quỳnh Hương (36 tuổi), Đặng Thị Mai Anh (16 tuổi) và Nguyễn Thị Toàn (44 tuổi, đều ngụ Hà Giang) để điều tra làm rõ hành vi lừa nhiều nữ sinh trung học sang Trung Quốc bán dâm; còn tại Hải Phòng công an bắt Trịnh Văn Đại (18 tuổi), Nguyễn Xuân Trường (18 tuổi), Vũ Duy Mạnh (17 tuổi, đều ngụ Hải Phòng) do liên quan đến đường dây lừa đưa các cô gái mới lớn sang Trung Quốc bán dâm. Trước đó, đầu tháng 3.2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam Phan Ánh Ngoan (43 tuổi, ngụ Bạc Liêu) về hành vi buôn bán người. Bước đầu, Ngoan khai đã đưa 4 cô gái ở Cà Mau sang Trung Quốc bán với giá 10,5 triệu đồng/người. Đáng chú ý, mẹ một nạn nhân của Ngoan đã làm đơn tố cáo Ngoan bán con bà qua Trung Quốc làm vợ lẽ, khiến chị này thường xuyên bị hành hạ và lao động cật lực. Ngày 14.6.2012, Công an TP.HCM giải cứu thành công chị V.T.A (34 tuổi, ngụ Bạc Liêu) bị dụ sang Trung Quốc làm việc với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Khi đến nơi, chị A. bị “ép” đăng ký kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc. Do trong quá trình sống chung, chị A. thường xuyên bị đánh đập nên đòi về nước thì chồng của chị A. yêu cầu phải gọi về người nhà ở VN đưa 15 triệu đồng mới cho về... Đàm Huy |
Ngọc Bi, TN
Đàn ông Trung Quốc qua VN mua cô dâu đấu giá trên mạng hơn 200 triệu đồng, lời gap 10 giá mua tại VN
"Cô dâu Việt Nam trong cơn sốt mua sắm ngày song thập nhất" là tên của đoạn tin quảng cáo được đăng trên trang mua sắm trực tuyên Taobao vào khoảng 4h chiều ngày Độc thân (11/11).
Mẩu tin rao bán cô dâu Việt trên Taobao chiều 11/11. (Ảnh: SCMP) |
"Chỉ với 9.998 Nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng), bạn sẽ có ngay một cô dâu xinh đẹp theo về nhà", đoạn quảng cáo viết.
Cũng theo mẩu tin này, trong 'kho hàng' của người bán hiện có sẵn 98 cô dâu và sẵn sàng chuyển từ tỉnh Vân Nam tới bất kỳ nơi nào của Trung Quốc.
Trang qq.com của Trung Quốc dẫn nguồn tin cho biết vụ án mua bán cô dâu Việt Nam của người đàn ông có tên Trương Mỗ Kiến, sống ở Linh Bích, An Huy,gây nôn nao trong giới đàn ông TQ hào hứng tham gia mua cô dâu CHXHCN VN.
Theo nguồn tin trên, mỗi cô dâu Việt Nam được bán với giá khoảng 60.000 nhân dân tệ (hơn 200 trăm triệu đồng).
Tổng cộng, Trương Mỗ Kiến đã mua bán 14 người phụ nữ, trong đó một người trở thành vợ của Trương.
Vụ án Trương Mỗ Kiến giúp người khác mua vợ đã kinh động đến Bộ Công an Trung Quốc và vụ án này được liệt vào một trong những vụ án tầm quốc gia.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, hiện tại 24 nghi phạm đã bị bắt giữ và giải cứu 10 cô dâu Việt Nam.
Dưới đây là câu chuyện về hành trình từ một người làm thuê trở thành kẻ buôn bán phụ nữ của Trương Mỗ Kiến:
"Đầu tiên là nghe lời dụ dỗ của bạn bè, mua vợ cho mình
Tháng Tám âm lịch năm 2011, tôi đi làm thuê tại Đơn Dương, Giang Tô và quen một người bạn làm cùng. Anh ta là người An Huy và nói rằng vợ là người Vân Nam. Vì chân trái của tôi từng bị thương không thể làm việc nặng nên khó lấy vợ. Anh ta hỏi tôi có muốn tìm vợ và tôi cùng bố mẹ đều đồng ý.
Sau đó, người bạn này đã tìm một bức ảnh cô gái trên điện thoại cho tôi xem, cũng là người vợ hiện tại của tôi. Tôi đã đồng ý.
Sau đó, anh ta đưa tôi đến huyện Phú Ninh, Vân Nam để gặp một người đàn ông khoảng 40 tuổi. Sau đó, ba chúng tôi đi từ Phú Ninh đến Phổ Dương. Tại Phổ Dương, tôi đã gặp vợ tôi.
Người bạn tôi liền nói đưa cho người đàn ông kia 49.800 nhân dân tệ (hơn 170 triệu đồng). Sau khi tôi trả cho người đàn ông kia 49.800 nhân dân tệ, tôi và vợ tôi cùng người bạn và một người tự xưng là bố của vợ tôi (thực ra không phải) cùng một người thanh niên trở về Phú Ninh. Sau đó, từ đây, tôi, vợ tôi và người bạn đi xe về Đơn Dương.
Ngày hôm sau, tôi và vợ tôi bắt xe về nhà.
Ngoài ra, khi mua được người vợ ở Vân Nam, tôi đã đưa cho người bạn 6.000 nhân dân tệ (hơn 20 triệu đồng) phí môi giới. Vợ tôi nói cô ấy 22 tuổi.
Vào ngày cưới, bác gái đã nhờ tôi mua vợ cho cháu trai
Ngày cưới của tôi, bác gái hỏi tôi có thể mua giúp bác một người vợ cho cháu trai của bác hay không. Tôi đã đồng ý. Bởi cách đó ít lâu, có người bên Vân Nam gọi điện hỏi tôi vùng này có cần mua vợ hay không và bảo tôi liên lạc với họ.
Sau này, bên Vân Nam đã gửi ảnh và cháu ngoại (Tiểu Uy) của bác gái đã đồng ý.
Ngày hôm sau, bố của Tiểu Uy đã đến nhà tôi hỏi cần bao nhiêu tiền để đến Vân Nam mua người. Tôi nói cần 2.000 nhân dân tệ phí đi đường và một thẻ ngân hàng. Sau đó, Tôi và Tiểu Uy xuất phát và đến quê của vợ tôi để tìm cô dâu. Nhưng vì cô gái trong ảnh bị khuyết tật ở tay Tiêu Uy không đồng ý.
Qua 4-5 ngày sau, người mai mối lại mang đến một cô gái (Tiểu Lê) và Tiểu Uy đã đồng ý. Người mai mối nói rằng cần đưa hơn 50.000 nhân dân tệ (hơn 170 triệu đồng) cho nhà cô gái. Tôi đã không đồng ý vì quá nhiều. Sau đó, hai bên giao dịch còn 46.600 nhân dân tệ. Cuối cùng, người mai mối lại muốn thêm 5.000 nhân dân tệ phí giới thiệu.
Người quen, họ hàng muốn mua cô dâu
Trong khi tôi vẫn còn ở Vân Nam tìm các cô gái thì một người thím ở quê lại gọi điện nói là cần tìm một người vợ cho cháu trai (Tiểu Lạc). Trong điện thoại, tôi đã nói chuyện Tiểu Uy không ưng cô gái khuyết tật ở tay và thím đã chấp nhận.
Sau khi tôi trở về từ Vân Nam, một người họ hàng cũng liên lạc và nói rằng muốn tìm con dâu cho gia đình.
Qua 3-4 ngày, người mai mối ở Vân Nam gửi cho tôi một bức ảnh cô gái, và gia đình kia đã đồng ý. Qua thỏa thuận thì hai bên đồng ý mức giá hơn 60.000 nhân dân tệ. Trong số này đã bao gồm cả phí giới thiệu 10.000 nhân dân tệ (tôi được 5.000 còn người môi giới 5.000). Sau đó, lại có nhiều người muốn tôi mua cô dâu.
Và cứ thế tôi đã trở thành một ngưởi buôn bán phụ nữ chuyên nghiệp."
Cứ như vậy, Trương Mỗ Kiến đã đi về Vân Nam-Linh Bích hơn 10 lần để giúp người khác mua 14 cô gái Việt Nam. Sau khi lập án, ngày 4/12/2015, hơn 140 cảnh sát được huy động để bắt Trương Mỗ Kiến và người mua phụ nữ và giải cứu người bị hại./.
NHỮNG DOANH NHÂN MỐI GIỚI GỐC HOA LẦM ĂN KHẮM KHÁ
Riêng tại Bạc Liêu địa bàn có nhiều thương nhân gốc Hoa, tổ hợp kinh doanh phu nữ Việt gồm: quí bà Lương Thị Hải (SN 1994, quê ở xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An); Huỳnh Mộng Linh (SN 1987, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); Phạm Thị Tú (SN 1962, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).
Vào năm 2015, bà Hải lấy chồng và sống tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Sau đó, thông qua các trang mạng xã hội, bà Hải quen biết với bà Thái Thị Hậu (SN 1997, ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) và bà Linh. Hai người này cũng lấy chồng Trung Quốc và sống cùng địa phương với bà Hải.
Đến năm 2020, thông qua bà Hậu, bà Hải đã quen biết bà Tú. Dựa vào mối quen biết này, những người này đã cấu kết với nhau, cùng tìm kiếm phụ nữ Việt Nam có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc để tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính.
Bà Tú có nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm phụ nữ để thỏa thuận đưa sang Trung Quốc, nếu đồng ý thì gia đình của những người phụ nữ này sẽ nhận được từ 90 – 100 triệu đồng, đồng thời, bà Tú sẽ đưa họ xuất cảnh trái phép bằng các con đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới.
Khi bà Tú đưa những người phụ nữ qua biên giới thành công, bà Hải thuê bà Hậu và bà Linh tìm những người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ để mai mối. Nếu đồng ý thì những người này phải trả cho bà Hải số tiền từ 300 – 400 triệu đồng, tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người phụ nữ.
Một số phụ nữ sau khi lấy chồng Trung Quốc bị đánh đập, ngược đãi, muốn quay về Việt Nam thì gia đình họ phải trả toàn bộ số tiền đã nhận trước đây, đồng thời lo cho phí nhập cảnh trái phép với số tiền là 20 triệu đồng/người.
Tính từ đầu năm 2020 đến năm 2021, các thương gia gốc Hoa đã tổ chức trót lọt cho nhiều phụ nữ tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Bình Dương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trong đó, có những trường hợp nằm trong độ tuổi vị thành niên. Bằng những thủ đoạn trên, nhóm này đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Theo VN
Mua vợ Việt Nam
Hồng Phúc
Nhà báo
Mấy hôm nay, tôi lục tìm các khái niệm khác nhau về “buôn người”. Có một số định nghĩa nhưng chung quy đó là hành vi tác động bằng nhiều cách nhằm đưa người từ nơi này tới nơi kia để kiếm lợi nhuận. Buôn bán người là một trong những loại tội phạm xuyên quốc gia ít được biết đến nhất, tiềm ẩn lan rộng và đem lại lợi nhuận cao.
Việc cô dâu Việt bị người chồng Hàn ở tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc hành hạ khiến nhiều người phẫn nộ. Những lời xin lỗi long trọng và lời hứa "xử lý nghiêm" sau đó dường như chỉ là một biện pháp truyền thông làm lắng vấn đề. Thực trạng bạo lực trong hôn nhân Việt-Hàn không phải là hiện tượng đơn lẻ của một anh chồng trót bị lộ.
Giải quyết vấn đề không nằm ở việc xử lý nghiêm hay không nghiêm một ông chồng đánh vợ. Các cuộc hôn nhân đó rất dễ xuất hiện bạo hành. Rất nhiều trong số chúng hình thành nhờ cơ chế bán- mua, thiếu vắng tình yêu và ngay từ đầu đã có sự bất bình đẳng nghiêm trọng bởi tình cảm con người đã bị thương mại hóa.
Sự thương mại hóa ấy được tạo ra bởi động cơ của cả hai phía cung và cầu. Để cải thiện thực trạng suy giảm dân số do đàn ông Hàn Quốc không lấy được vợ, chính phủ nước này đã có nhiều chính sách với nam giới. Hàng chục địa phương tại Hàn Quốc trang trải chi phí cho đàn ông làm lễ cưới, mua vé máy bay, thuê chỗ ở và chi trả phí môi giới khi ra nước ngoài tìm vợ. Tỉnh Nam Gyeongsang trợ cấp cho đàn ông độc thân khoảng 10 triệu Won nếu lấy được vợ nước ngoài với mục đích "thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh".
Còn tại Việt Nam, môi giới hôn nhân dù bị coi là bất hợp pháp nhưng dòng cô dâu xuất ngoại vẫn liên tục chảy hàng chục năm qua. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa bao giờ trả lời được, có bao nhiêu cuộc hôn nhân trong số này đã qua môi giới.
Hai năm trước, trong một chuyến thực địa miền Tây, tôi gặp hàng chục cô gái đã lấy chồng Hàn. Họ đang về thăm nhà hoặc đã tháo chạy khỏi quê chồng. Trong đó có cả Trần Thanh Lan, cô gái có khuôn mặt rất hiền về với mẹ trong hình hài nắm tro tàn chỉ sau 26 ngày làm dâu ở Hàn Quốc. Trong cuốn nhật ký người mẹ đưa cho tôi, cô gái viết về những trận đòn và những cơn hoảng sợ nơi đất khách, trước khi nhảy từ tầng 17 căn hộ nhà chồng xuống đất.
Tôi cũng đã gặp hàng trăm cô gái đang học tiếng Hàn cấp tốc tại thành phố Cần Thơ để tiếp tục theo dòng chảy di cư đặc biệt này. Lý do phổ biến đẩy họ lên cùng một con thuyền "lấy chồng Hàn" là "người quen giới thiệu".
"Người quen" đó, có cô gọi là bà mai, có cô cho biết đó là người quen của người quen trên thành phố, người quen của bà con của hàng xóm... nhưng đó chính là những người đến gặp các cô, xem mặt mũi vóc dáng, hỏi thông tin về tuổi tác, gia cảnh và thuyết phục các cô đi xem mặt các ông chồng Hàn lớn tuổi. Viễn cảnh "người quen" vẽ ra với các cô gái trẻ và cha mẹ họ đều giống nhau.
"Bà mai nói chồng Hàn lương cao lắm, mỗi tháng 50 đến 100 triệu đồng. Họ sẽ đưa mình giữ. Nhà giàu lắm, cha mẹ chồng cưng chiều, thích thứ gì họ đều mua cho hết á, khi nào muốn về Việt Nam thăm cha mẹ họ cho mình về" – Bích kể. Cô mới đào thoát khỏi nhà người chồng tên Li – một công nhân xưởng sản xuất kim chi - trong một đêm tuyết rơi. Cô còn không nhớ tên vùng nông thôn đó. Bích bị trầm cảm suốt thời gian dài vì sợ những lần chồng bóp cổ đến ngất đi trong phòng ngủ và bạo hành tình dục.
Hàng chục cô gái cùng kể rằng ngay sau đám cưới, họ không thể gọi điện cho bà mai. "Mười mấy tuổi, lần đầu lên Sài Gòn, tụi em đâu biết gì. Phụ nữ Việt Nam rẻ quá, lấy chồng hên xui còn hơn mua vé số chị ơi".
Dù không muốn, nhưng tôi không thể chống lại suy nghĩ suốt nhiều tháng, rằng những người quen, những bà mai lẩn khuất ở khắp làng quê Việt Nam, lùng sục các cô gái chưa đầy 20 để dụ dỗ và giới thiệu họ lấy chồng Hàn, rất gần với những manh mối mang dáng dấp nạn buôn người.
Bích kể, ở Hàn Quốc, đâu đâu cũng thấy quảng cáo của các công ty môi giới hôn nhân với các thông điệp: phí cho một cuộc hôn nhân thành công chỉ 10 triệu won (gần 10 ngàn USD, số tiền này hầu hết do chính quyền chi trả); "đảm bảo chắc chắn sẽ tìm được người vợ châu Á hoàn hảo", "còn trinh và không bỏ trốn". Báo Hàn Quốc đăng tin, hiện có khoảng 1.250 công ty môi giới hôn nhân dàn xếp hàng nghìn đám cưới mỗi năm giữa nam giới Hàn và phụ nữ ngoại quốc. Cô dâu Việt Nam chiếm 73% trong số những cuộc hôn nhân có yếu tố ngoại. Chú rể Hàn trung bình hơn vợ 18 tuổi, họ chỉ mất trung bình 3,9 ngày để biết mặt và thành phu thê.
Một bên thì khuyến khích đàn ông tìm vợ ngoại bằng tiền, nói thẳng ra là đi mua. Một bên thì không kiểm soát những hoạt động tinh vi len lỏi khắp làng quê của "cò hôn nhân", tìm hàng hóa để bán.
Tôi gặp Nguyễn Mai H, cô gái Kiên Giang 19 tuổi khoe "mới có chồng" là anh Kim Jung Si, 42 tuổi nhờ "người quen" giới thiệu. Cô đang học lớp tiếng Hàn cấp tốc trong một tháng. "Em sẽ ở với chồng ở tỉnh Nanching" - "Em biết tỉnh đó ở đâu không?" - "Em không. Em chỉ biết chồng làm nghề nhân viên kiểm hàng cho công ty, kinh doanh gì em không rõ".
Cô gái có khuôn mặt xinh đẹp, tóc dài nhuộm vàng theo phong cách Hàn đưa những móng tay đính đá lấp lánh vuốt màn hình điện thoại khoe ảnh cưới. Người đàn ông mắt một mí, nếp nhăn đã rình rập trên đuôi mắt, mặc sơ mi cộc tay đứng cạnh cô dâu trẻ trong chiếc váy hồng. Họ không chạm vào người nhau. Tay cô cầm bó hoa cưới bằng vải. Tay chú rể đút túi quần. Chồng cô đã đến Việt Nam hai lần, kể cả lần cưới.
"Ở tỉnh đó họ thích con gái Việt Nam lắm á chị. Người quen đó nói chị lấy chồng Hàn ban đầu cứ sống đại mà sướng lắm nên mới giới thiệu cho em", cô cười khấp khởi.
Lành mạnh hóa hôn nhân quốc tế Hàn - Việt trước hết phải bằng việc đảm bảo phụ nữ thôi là một món hàng mang lại lợi nhuận cho những người trung gian. Trong khi chờ Hàn Quốc điều chỉnh chính sách đối với cô dâu ngoại, chính chúng ta phải bảo vệ công dân của mình bằng cách chấm dứt những cuộc hôn nhân thần tốc.
Tôi hy vọng không còn bà mẹ nào phải nhắc đi nhắc lại như bà Kim Anh, mẹ Lan: "Con mình chết rồi, đâu có làm gì được nữa đâu, phải chi nó không đi thì ở nhà có mẹ có con, khổ chừng nào cũng được".
Hồng Phúc